Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Bắc Giang
Vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng vào điều kiện thực tế của tỉnh, Bắc Giang là một trong 4 tỉnh (Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam) khởi nghĩa chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất trong cả nước, góp phần vào việc giành chính quyền thực sự thuộc về nhân dân.
Ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào nhất trí tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng, quy định quốc kỳ, quốc ca và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Ngay sau Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào, các đoàn thể cứu quốc, các cán bộ và chiến sĩ: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta"...
Ở Bắc Giang lúc này tình hình rất khẩn trương. Sau khi phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, Tỉnh trưởng Bắc Giang Nguyễn Ngọc Đĩnh một mặt bắn tin xin liên lạc với Việt Minh, mặt khác lại âm mưu giao chính quyền cho bọn Đại Việt.
Nắm được kế hoạch Tỉnh trưởng Bắc Giang sẽ trao chính quyền tỉnh cho bọn Đại Việt vào sáng ngày 18 tháng 8 năm 1945, ngay tối 17 tháng 8, cơ sở ở thị xã Phủ Lạng Thương đã kịp thời báo cáo cho cán bộ của ta ở Song Khê. Khoảng 10 giờ đêm, đồng chí Hồ Công Dự và một số đồng chí khác trên đường đi dự hội nghị do Tỉnh ủy triệu tập tại Yên Lý (Yên Thế) nhận được tin, ngay lập tức trở về Song Khê. Tại đây, hàng trăm quần chúng và tự vệ đã tập trung để chờ lệnh hành động.
Mặc dù chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, nhưng các đồng chí lãnh đạo địa phương căn cứ vào Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" ngày 12 tháng 3 năm 1945 của Ban Thường vụ Trung ương, căn cứ vào tình hình trong tỉnh lúc này, các đồng chí đã không chần chừ, do dự, chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh.
Ngay đêm 17 tháng 8, đồng chí Hồ Công Dự đã nhanh chóng triệu tập một cuộc họp cán bộ chủ chốt hai huyện Việt Yên, Yên Dũng tại đình Song Khê quyết định khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh trước khi Tỉnh trưởng Bắc Giang và bọn Đại Việt hành động. Hội nghị đề ra kế hoạch:
- Chọn một số tự vệ cùng 2 đồng chí Hồ Công Dự, Ninh Văn Phan đột nhập vào dinh tỉnh trưởng, bắt Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Đĩnh đầu hàng.
- Huy động các đội tự vệ mai phục bên hữu ngạn sông Thương sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.
- Huy động quần chúng bên hữu ngạn sông Thương biểu tình thị uy để uy hiếp địch.
- Gửi thư báo cho các đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trọng Tỉnh, Hà Thị Quế nhanh chóng đem quân về tiếp viện đề phòng có xung đột vũ trang.
- Trung lập bọn Nhật.
Khoảng 4 giờ sáng ngày 18 tháng 8 năm 1945, hai đồng chí Hồ Công Dự và Ninh Văn Phan dẫn đầu một đội tự vệ khoảng 6, 7 người được trang bị vũ khí xuất phát từ đình Song Khê đột nhập vào dinh tỉnh trưởng lúc 6 giờ sáng. Vốn đã hoang mang lại ở vào một tình thế hoàn toàn bất ngờ không thể chống cự. Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Đĩnh buộc phải đầu hàng, nộp vũ khí và đích thân gọi chánh bảo an sang dinh tỉnh trưởng nhận lệnh đầu hàng Việt Minh. Chánh bảo an được lệnh, sang ngay dinh tỉnh trưởng. Sau khi nghe đồng chí Hồ Công Dự thuyết phục, hắn xin quy thuận, giao toàn bộ vũ khí và trại bảo an binh cho ta. Ta cử ngay lực lượng chiếm trại bảo an binh, thu gần 200 khẩu súng. Viên chánh bảo an và số đông anh em binh lính xin gia nhập lực lượng vũ trang cách mạng. Lúc đó là 7 giờ sáng. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên dinh tỉnh trưởng và trại bảo an binh. Ta ra lệnh cho Nguyễn Ngọc Đĩnh gọi điện thoại báo cho tên chỉ huy quân đội Nhật ở Bắc Giang biết tin Việt Minh đã khởi nghĩa chiếm thị xã Phủ Lạng Thương và yêu cầu quân Nhật phải điều đình ngay với Việt Minh. Tình thế lúc này làm cho bọn Nhật không dám từ chối và phải ngồi vào bàn hội nghị chấp nhận những điều kiện do Việt Minh đưa ra:
- Việt Minh hoàn toàn làm chủ tỉnh Bắc Giang, giữ gìn trật tự trị an trong tỉnh.
- Quân Nhật đóng ở các nơi trong tỉnh phải rút về tập trung tại Cầu Lồ (Lục Ngạn) và Phủ Lạng Thương, không được mang vũ khí ra phố, không được vận chuyển thóc đi nơi khác.
Trong khi ta đang điều đình với Nhật, lực lượng tự vệ và quần chúng nhân dân các phủ huyện Lạng Giang, Việt Yên, Yên Thế, Yên Dũng, Hiệp Hòa từ các ngả đường tiến vào thị xã tuần hành thị uy. Cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ tràn ngập các ngả đường. Bộ máy chính quyền tay sai địch đã hoàn toàn bị đập tan. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Bắc Giang đã hoàn toàn thắng lợi.
Bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân Bắc Giang cùng nhân dân cả nước đập tan xiềng xích nô lệ thực dân phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cách mạng nước ta bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội./.