• :
  • :
TUỔI TRẺ BẮC GIANG: KHÁT VỌNG – ĐOÀN KẾT – BẢN LĨNH – TIÊN PHONG – SÁNG TẠO
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Học tập quan điểm Hồ Chí Minh về Tết cổ truyền để đón Tết Mậu Tuất 2018 an toàn, tiết kiệm

Người Việt Nam thật tự hào và may mắn hơn nhiều so với các dân tộc khác trên trái đất này, chúng ta cũng như các bạn Trung Quốc và Triều Tiên, mỗi năm có hai ngày Tết...

Người Việt Nam thật tự hào và may mắn hơn nhiều so với các dân tộc khác trên trái đất này, chúng ta cũng như các bạn Trung Quốc và Triều Tiên, mỗi năm có hai ngày Tết. Qua Tết Dương lịch, tiết trời lạnh giá kèm theo những hạt mưa xuân lất phất làm đâm chồi, nẩy lộc bao mầm xanh. Cuộc sống của mỗi chúng ta giường như cũng nhộn nhịp, gấp rút hơn để chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc - Tết Mậu Tuất 2018. Tết đến, Xuân về, hoa đào nở rộ khắp đất trời quê ta, trong cuộc sống êm ấm, hòa bình mỗi người Việt Nam ai ai cũng đều nhớ tới Hồ Chủ tịch – Người đã mang lại nền độc lập, tự do, hạnh phúc, để toàn dân ta được đón Tết vui vẻ như ngày hôm nay. 

Đối với mỗi người dân Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn là một tấm gương đạo đức cách mạng vĩ đại, sáng ngời. Nhắc tới Người là nhắc tới một tâm hồn cao thượng, một nhân cách lớn, cả cuộc đời của Người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Nhớ về Người trong Tết Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946), Người đã viết thư gửi thanh niên: “Hỡi thanh niên và nhi đồng yêu quý!  Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”.  Đời sống mới là:  - Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ.  - Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.  - Việc nên làm (như ủng hộ kháng chiến, tăng gia sản xuất) thì ta không chờ ai nhắc nhủ. - Việc nên tránh (như tự tư tự lợi) thì ta không đợi ai ngăn ngừa.  Năm mới, chúng ta thực hành đời sống mới để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. NXB Chính trị Quốc gia, H,2011,tr.194).

Không chỉ vậy, ngay trong mùa xuân đầu tiên của đất nước, đêm 30 Tết, Người không dành những giây phút này để nghỉ ngơi, mà đã trực tiếp tới thăm từng gia đình người dân nghèo khổ. Đối với Bác Hồ, việc đi thăm và chúc tết đã trở thành nếp. Bởi Bác cho rằng đây là lúc có thể hiểu được đầy đủ đời sống, tâm tư của người lao động, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của Người, được thấy nhân dân nô nức, phấn khởi, mọi nhà đoàn tụ, đầm ấm tận hưởng niềm vui sau một năm làm việc vất vả. Người mong muốn được thấy mọi người dân không kể sang hèn đều được ấm no, hạnh phúc trong ngày tết cổ truyền dân tộc.

Theo quan điểm Hồ Chí Minh đón tết phải tiết kiệm, an toàn. Người đã từng nhắc nhở: “Chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ tưng bừng, nhưng tuyệt đối không lãng phí” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12. NXB Chính trị Quốc gia, H,2011,tr.456).

Trên Báo Nhân Dân số 2132, ngày 28/1/1960, trong bài “Mừng Tết Nguyên đán thế nào?” Bác viết: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất. Nhân ngày Nguyên Đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào Xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nhưng chúng ta nên mừng Xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân. Nên nhớ rằng chúng ta phải cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, không nên vì một cớ gì mà quên nhiệm vụ ấy. Các đồng chí cán bộ ta cần phải hướng dẫn đồng bào làm cho ngày Tết vui vẻ và tưng bừng, tiết kiệm và thắng lợi” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12. NXB Chính trị Quốc gia, H,2011,tr.440).

Bác khuyên chúng ta trong những ngày Tết: “…Chơi có nên không? Nên. Nhưng phải có chừng độ. Chơi quá độ, bừa bãi, không nên. Nếu chơi nhiều thì không tăng gia sản xuất, học tập được. Ta có câu: “Lạc bất khả cực, lạc cực sinh ai” nghĩa là vui không nên quá mức, vui quá mức đi đến cái buồn…” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10. NXB Chính trị Quốc gia, H,2011,tr.601).

Bác Hồ cũng thường nhắc nhở rằng đón Tết, vui Xuân trong ngày đầu năm phải nghĩ đến công việc của cả năm: “Tục ngữ có câu: “Suốt năm kế hoạch, định từ mùa Xuân”. Thật đúng như vậy. Mùa Xuân thì trời vui, đất vui, người càng vui. Cho nên ngay từ đầu mùa Xuân mọi công việc làm được tốt, thì cả năm sẽ phát triển tốt và kết quả tốt...” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12. NXB Chính trị Quốc gia, H,2011,tr.462).Từ ngày Tết đầu năm phải lo nghĩ để hoàn thành vượt mức kế hoạch mà cơ quan, đơn vị giao, để Xuân sau thắng lợi hơn Xuân này.


Hôm nay, trong không khí Xuân Mậu Tuất 2018 đang tới, nhớ về Người, chúng ta lại nhớ những việc làm đầy tình thương yêu, trìu mến của Người với toàn thể nhân dân, lại nhớ tới sự chăm sóc ân cần của Người tới mọi thế hệ người Việt Nam đặc biệt là mỗi khi Tết đến, Xuân về. Từ đó, càng dặn lòng mình mỗi người hãy học tập và làm theo Bác từ việc nhỏ nhất trong việc yêu thương, đồng cảm với mọi con người. Bởi vì hơn 90 triệu dân Việt Nam hôm nay, bên cạnh đại đa số mọi người no đủ do làm ăn giỏi, do chăm chỉ lao động, do may mắn trong cuộc sống; vẫn còn bao kiếp người do nhiều lý do khác nhau, vẫn ở trong cảnh ngộ đói ăn thiếu uống, đang co ro chịu cái rét thấu xương nơi gầm cầu, quán chợ… mỗi khi chuẩn bị Tết. Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ, đồng cảm để ai ai cũng đều có Tết - như điều mong ước giản dị của Bác Hồ.

Những ngày này, không khí Tết đã lan tỏa trên từng đường phố, đến các cơ quan, đơn vị, vào mỗi gia đình người dân. Đón Xuân, đón Tết là dịp để mỗi người dân Việt Nam nhớ về tổ tiên, ông bà; cầu mong những điều an lành, hạnh phúc. Tết là dịp để mọi người đi lại thăm hỏi, chúc những điều may mắn, tốt đẹp. Thế nhưng cũng có nơi, có chỗ lạm dụng đón Xuân để tổ chức vui chơi linh đình, tốn kém, hơn thế nữa là có nội dung trái với văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Trong nhiều năm qua, việc tổ chức ăn Tết rình rang, kéo dài từ những ngày cuối tháng Chạp đến nhiều ngày sau Tết đã gây tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức của toàn xã hội và mỗi gia đình. Những ngày cuối năm, hầu như toàn xã hội đều tất bật chuẩn bị Tết. Không ít cơ quan, doanh nghiệp, ngoài việc lo tiền lương, tiền thưởng cho công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị mình, còn phải tổ chức tổng kết, giao lưu, gặp mặt, liên hoan tất niên; thăm viếng, tặng quà, “trả lễ” cấp trên... Những việc như vậy tồn tại nhiều năm trở thành nỗi lo, thậm chí là gánh nặng của không ít cơ quan, đơn vị mỗi khi Tết đến, đồng thời cũng gây nhiều bức xúc, tạo dư luận không hay trong xã hội.

Nhớ về Bác và những quan điểm của Người về đón Tết tiết kiệm, trong thời gian vừa qua các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 22/12/2017 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2018; Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư khóa XI về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội, mừng Xuân, tổng kết năm, đón nhận phần thưởng thi đua và kỷ niệm ngày truyền thống cần thiết thực, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương. Theo đó, nghiêm cấm việc lợi dụng giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng để ăn uống, tiệc tùng, tặng quà, nhận quà với động cơ vụ lợi. Chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, chè chén xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội.

Để hình thành nền nếp, kỷ cương trong việc đón Tết, vui Xuân lành mạnh từ năm nay và những năm sau, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng, nhất là quán triệt Nghị quyết Hội nghị TW 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự là những tấm gương sáng trước quần chúng nhân dân, gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm mỗi khi Tết đến, Xuân về. Học tập theo Bác các cơ quan, đơn vị, khi tổ chức tất niên, tân niên (sau Tết) cần hết sức đơn giản, gọn nhẹ, tránh tiệc tùng, nhậu nhẹt lãng phí. Việc trang trí trụ sở cũng nên giản tiện, có không khí, hương vị ngày Xuân nhưng không cầu kỳ, tốn kém tiền bạc, công quỹ. Làm sao cho mỗi người dù có ở cương vị và địa vị nào trong xã hội này cũng đều được đón một cái Tết thực sự đoàn kết, vui tươi, phấn khởi, an toàn và tiết kiệm.

Mừng Xuân Mậu Tuất 2018. Mừng Đảng ta 88 tuổi. Mừng nước nhà 73 Xuân. Qua đây, Tác giả bài viết xin gửi lời kính chúc sức khỏe và chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng tới quý độc giả./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 419
Hôm qua : 515
Tháng 11 : 3.677
Năm 2024 : 194.147