A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người mẹ Làng Sen đã cho đời người anh hùng Hồ Chí Minh

Trong ca khúc “Người mẹ Làng Sen” nhạc sĩ An Thuyên viết: Người mẹ ấy sinh con trong trời đêm. Đất nước lầm than mà dân đang nô lệ. Mẹ lặng lẽ giữa cuộc đời như thế Mẹ làng sen, mẹ làng sen, người mẹ Việt Nam đã cho đời người anh hùng Hồ Chí Minh. Mỗi khi giai điệu của bài hát ngân lên ca ngợi mẹ Hoàng Thị Loan - mẹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chúng ta lại không khỏi bồi hồi xúc động. Đặc biệt là nhân dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lớn lên ở vùng đất ghi dấu ấn của những làn điệu dân ca hát ví trữ tình và giàu ý nghĩa nhân văn, được nuôi dạy trong một gia đình gia giáo, mẹ Hoàng Thị Loan - con gái đầu của thầy đồ nho Hoàng Xuân Đường là người phụ nữ thông minh, nhân hậu, giỏi giang. Cuộc đời mẹ Hoàng Thị Loan giản dị, thanh khiết như đóa sen đời, vượt lên bao khó khăn vẫn kết hoa, khoe sắc, ngát hương thơm. Mẹ đã không ngại nghèo khó để nên duyên với chàng trai mô côi nghèo ham học Nguyễn Sinh Sắc.

Tuổi trăng tròn của cô gái ấy thật đẹp, là niềm mơ ước kết duyên của nhiều chàng trai giàu có lúc bấy giờ. Thế nhưng vượt qua lễ giáo phong kiến hà khắc “môn đăng hộ đối cô gái Hoàng Thị Loan đã đem lòng thương yêu chàng trai mồ côi Nguyễn Sinh Sắc. Mẹ Hoàng Thị Loan bắt đầu bước vào cuộc đời làm vợ năm 15 tuổi, 22 tuổi đã là mẹ của ba người con thơ. Cũng từ đây, mẹ dành trọn cuộc đời cho người chồng và các con yêu quý của mình. Từ năm 1883 đến năm 1894, suốt 11 năm trong ngôi nhà tranh ba gian, bà con Hoàng Trù đã chứng kiến hình ảnh rất quen thuộc, đầm ấm, thi vị của đôi vợ chồng trẻ: “chàng miệt mài kinh sử, thiếp canh cửi đưa thoi”. Ban ngày, bà một nắng hai sương chăm lo việc đồng áng, đêm đến lo cơm nước cho chồng con, tối khuya vẫn ngồi dệt vải, chị em cùng cảnh có hỏi, bà nói: gắng thức cho chồng học tập mong có kết quả cao hơn, vừa lại có thêm thu nhập cho gia đình.

Mộ của mẹ Hoàng Thị Loan tại Động Tranh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

 

Người con gái của một gia đình đồ nho đã dành trái tim nhân hậu của mình để đến với chàng trai mồ côi nghèo ham học. Cùng đó là những khó khăn vất vả của người phụ nữ làm nông phải gánh việc chăm lo nuôi con cho chồng học hành thi cử. Chính bà là người tạo ra vật chất duy trì cuộc sống gia đình và là nguồn cổ vũ tinh thần cho ông Nguyễn Sinh Sắc trên con đường sự nghiệp. Xúc động thay, mỗi khi tết đến, xuân về hình ảnh của mẹ vẫn khoác trên mình tấm áo vá vai đã bạc màu qua thời gian; Khi ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Cử nhân, bà con chạy ra tận ruộng báo tin cho bà Cử, bà nhẹ nhàng cảm ơn mọi người rồi vẫn từ tốn rốn lại để cấy cho đến quá trưa, xong thửa rộng mới trở về nhà.

Đậu được Cử nhân, ông Sắc vào Huế dự kỳ thi Hội nhưng kỳ thi lần đầu ông không đỗ. Ông về bàn với vợ việc theo ông vào kinh thành giúp ông ăn học. Là người phụ nữ nông thôn chưa một lần đi xa, nhưng tầm nhìn của mẹ đã vượt qua lũy tre làng để đến với kinh thành hoa lệ, bởi nơi đó hội tụ đủ các điều kiện cho chồng được theo học, các con được trưởng thành. Chúng ta tìm thấy ở mẹ không chỉ là sự bao dung, vị tha mà còn có sự mạnh mẽ, quyết đoán của một người vợ người mẹ trước những quyết định lớn trong cuộc đời của chồng, con. Mảnh đất kinh thành xa lạ, ruộng vườn không có, cuộc sống của gia đình bộn bề những lo toan, khó khăn chồng chất, mẹ Hoàng Thị Loan tiếp tục chọn nghề dệt vải để kiếm kế sinh nhai. Mẹ phải lao động cật lực mới có thể cạnh tranh được với nghề dệt rất điêu luyện của mảnh đất cố đô. Năm 1900, mẹ sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận trong cảnh ngộ túng thiếu, chồng và con trai cả (Nguyễn Sinh Khiêm) đang ra Thanh Hóa làm thi. Do lao động quá sức nên bà Hoàng Thị Loan đã lâm bệnh nặng và đột ngột qua đời vào trưa ngày 22 tháng chạp năm Canh Tý (10/2/1901), ngày hôm sau là ngày Tết Ông Công, Ông Táo và sắp đón chào năm mới (Tân Sửu),  năm đó, mẹ bước sang tuổi 33. Nguyễn Sinh Cung lúc đó 10 tuổi thơ bé phải đứng ra nhờ bà con, lối xóm lo tang cho mẹ, hình ảnh cậu bé Cung đầu chít khăn tang, một tay ôm di ảnh của mẹ, 1 tay ôm bé Xin vào lòng đi đầu đoàn đưa tang mẹ đã hằn sâu trong ký ức tuổi thơ đầy đau khổ của Bác Hồ. Đi suốt hành trình cuộc đời của mẹ, người vợ người phụ nữ nông thôn đảm đang chịu thương chịu khó, vượt lên tất cả đó là đức hi sinh là trái tim nhân hậu của người vợ theo đuổi đồng hành trên con đường cử nghiệp cùng chồng, nâng bước chân con khôn lớn trưởng thành.

Thi hài của mẹ được mai táng ở núi Tam Tầng bên dòng sông Hương tại Huế. Năm 1922, hài cốt của mẹ được con gái Nguyễn Thị Thanh đưa về mai táng tại vườn nhà ở làng Sen. Năm 1942, cậu cả Nguyễn Sinh Khiêm cải táng thi hài mẹ tại ngọn núi Động Tranh Thấp trong dãy Đại Huệ. Năm 1985, để bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với người đã có công sinh thành và dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh và lực lượng vũ trang Quân khu 4 thay mặt cho đồng bào và chiến sỹ cả nước đã xây dựng khu mộ của bà đàng hoàng, khang trang và đẹp đẽ trên núi Động Tranh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.


Tác giả: Bảo Nguyên
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 3
Hôm nay : 386
Hôm qua : 749
Tháng 10 : 4.590
Năm 2024 : 174.551