A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành phố: “Rèn luyện các phẩm chất nền tảng- nói không với bạo lực học đường”

Sáng ngày 25/4, Hội đồng Đội thành phố Bắc Giang tổ chức chương trình “Rèn luyện các phẩm chất đạo đức nền tảng, nói không với bạo lực học đường” tại Liên đội Trường THCS Hoàng Văn Thụ.

Tham dự Chương trình có các đại biểu: Đ/c Nguyễn Thị Liên - Phó Bí thư thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng đội thành phố; Nguyễn Văn Phái - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố; Lê Anh Dũng - Phó Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố; đại diện các đ/c cán bộ Đoàn phường Thọ Xương; đại diện Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Đức Trí Cường, chuyên gia thạc sĩ tâm lí: Nguyễn Việt Cường; các thầy giáo, cô giáo là Tổng phụ trách Đội của các trường THCS trên địa bàn thành phố; tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, đại diện Hội cha mẹ học sinh, cùng hơn 900 học sinh nhà trường.

Đ/c Nguyễn Thị Liên – Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP trao phần thưởng cho các tập thể

 

Tại chương trình, các đại biểu được xem 03 video tiêu biểu trong triển khai Mô hình “rèn luyện các phẩm chất đạo đức nền tảng- với nội dung sống có trách nhiệm, sống có yêu thương” của các bạn học sinh khối 8,9.

Được biết,  Mô hình “rèn luyện các phẩm chất đạo đức nền tảng- với nội dung sống có trách nhiệm, sống có yêu thương” là để các con rèn luyện sự hiếu thảo, yêu thương thông qua hành động cụ thể như: Mỗi ngày làm việc phù hợp với sức của mình, phụ giúp gia đình đồng thời tìm ra những nét đẹp ưu điểm của người thân, bạn bè để viết những lời yêu thương khen tặng, khích lệ mọi người. Sau mỗi hành động lời nói được ghi lại liên tục trong 21 ngày các con báo cáo về phòng đoàn đội bằng video hoặc hình ảnh làm minh chứng các con sẽ được nhận 1 phần quà động viên. Kết quả:  Sau 21 ngày triển khai mô hình, đã có 250 Video clip, hình ảnh của học sinh báo kết quả. Ban tổ chức khen thưởng cho 02 tập thể, 05 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong triển khai thực hiện mô hình.

Cũng tại chương trình, chuyên gia thạc sĩ tâm lí Nguyễn Việt Cường, đã chỉ ra nhiều nguyên nhân thực tế dẫn đến bạo lực học đường thường gặp ở học sinh do có sự thiếu vắng giáo dục của gia đình, bố mẹ mải mê công việc không quan tâm tới con cái; bên cạnh đấy còn có nguyên nhân từ phía nhà trường, đó là đôi khi quá nặng nề về vấn đề kiến thức coi nhẹ vấn đề về giáo dục đạo đức, rèn kỹ năng ứng xử cho các em. Các yếu tố xã hội khác như: phim, ảnh, game bạo lực, đồ chơi bạo lực cũng ảnh hưởng không nhỏ. Ngoài ra còn nguyên nhân từ các em, sự thay đổi tâm sinh lý, muốn chứng tỏ mình đã lớn.

Các học sinh xây dựng tiểu phẩm về vấn đề bạo lực học đường

 

Qua sự chia sẻ của chuyên gia tâm lý, các bạn đội viên cũng thảo luận và chỉ ra các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường: Cần biết cách kiểm soát tốt hành vi của mình và cách giao tiếp với các anh, các chị, các bạn, các em để biết gây thiện cảm và tránh những hiểu lầm đáng tiếc. Biết các kỹ năng cơ bản để tự bản thân bảo vệ mình trong từng trường hợp bạo lực học đường cụ thể; đồng thời biết cách để tìm cho mình những người bạn tốt và duy trì tình bạn tốt của mình. Các bạn đội viên bày tỏ mong muốn sẽ luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các thày cô, giúp các em giải quyết những vướng mắc trong tình bạn, trở thành những người bạn tâm giao, luôn tin tưởng để chia sẻ. Các bạn mong rằng, các buổi sinh hoạt như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn để các bạn được giải đáp những lo lắng, băn khoăn của mình. Từ đó có thể vững vàng, tập trung học tập, chăm chỉ, rèn luyện và phát triển toàn diện hơn.

Mô hình “Rèn luyện các phẩm chất nền tảng nói không với bạo lực học đường” đã góp phần thay đổi bản thân mỗi bạn đội viên, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Thông điệp của mô hình muốn gửi tới tất cả các bạn đội viên: luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng những tình bạn đẹp và nói không với bạo lực học đường./.


Tác giả: Thành đoàn
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 6
Hôm nay : 362
Hôm qua : 749
Tháng 10 : 4.566
Năm 2024 : 174.527