A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vang mãi bài ca thi đua yêu nước

70 năm trước, trong thời điểm gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc"...

70 năm trước, trong thời điểm gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc".

Tròn 7 thập kỷ đã qua, đọc và suy ngẫm "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Bác Hồ, chúng ta càng thấy rõ hơn tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là cái nhìn thấu suốt về “lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”. Trong "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", Bác thể hiện phong cách nói và viết khúc chiết, trong sáng, hết sức giản dị, để nhân dân ai cũng hiểu được, làm được. Người khẳng định: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”.
 
Với Bác, thi đua là yêu nước. Lòng yêu nước không chung chung, trừu tượng, mà được thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực, có lợi cho đất nước và nhân dân, qua phong trào thi đua “ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân”. Bác khẳng định, thi đua là sức mạnh, là nhân tố quan trọng làm nên thành công của cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và Quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”.
 

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017
 
Tinh thần thi đua ái quốc của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng to lớn đối với đồng bào, chiến sĩ ta. Đất nước đã đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm, giành độc lập, tự do dân tộc, hòa bình, thống nhất non sông. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian lao, thử thách, hy sinh để có được giang sơn gấm vóc bình yên, vững bước trên đường đổi mới, hội nhập như hôm nay.
 
70 năm qua, bao chiến công, thành tựu, kỳ tích đạt được chính là hoa thơm trái ngọt của phong trào này. Bao tấm gương người tốt, việc tốt, anh hùng, dũng sĩ… đã xuất hiện, thực sự là những bông hoa đẹp trong vườn xuân đất nước, làm ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
 
Tuy nhiên, mọi thắng lợi, thành công của phong trào thi đua ái quốc không dễ dàng có được. Nó là kết tinh tâm sức, trí tuệ và những cống hiến, hy sinh không kể xiết của đồng bào, chiến sĩ ta. Chính vì vậy, trong chiến tranh cũng như thời bình, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
 
Có biết bao tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã xuất hiện, tỏa sáng trong phong trào thi đua ái quốc. Thời nào, giai đoạn nào cũng có những tấm gương sáng vì nước, vì dân. Tên tuổi nhiều anh hùng, dũng sĩ trong các cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện vẫn luôn được nhắc đến với niềm tự hào, như: La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Cù Chính Lan, Ngô Mây, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót... (thời kỳ kháng chiến chống Pháp); Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Trần Dưỡng, Tạ Thị Kiều, Hồ Kan Lịch, mẹ Suốt, chị Út Tịch, Nguyễn Bá Ngọc... (thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước). “Ra ngõ gặp anh hùng, về nhà gặp dũng sĩ” là một hiện thực sống động, ngời sáng về tinh thần yêu nước, hào khí Việt Nam trong những tháng năm cả dân tộc “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (thơ Tố Hữu). Trong công cuộc bảo vệ non sông bờ cõi thiêng liêng, những cái tên: Lê Đình Chinh, Trần Văn Phương... là biểu tượng của lòng yêu nước và khí phách Việt Nam.
 
Trên mặt trận lao động sản xuất, xây dựng đất nước, phong trào thi đua ái quốc đã sản sinh ra những tấm gương sáng: Ngô Gia Khảm, Tạ Quang Bửu, Lương Định Của, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Hoàng Hanh, Cù Thị Hậu... Còn biết bao tấm gương chiến sĩ, đồng bào đã hăng hái thi đua “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Trên chặng đường hơn 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua yêu nước vẫn luôn được giữ lửa, truyền lửa, ngày càng sôi nổi, hiệu quả hơn.
 
Có biết bao câu chuyện cảm động về lòng tốt, sự tử tế, những hành động vì nước, vì dân của chiến sĩ, đồng bào ta được cổ vũ, nhân lên mỗi ngày, góp phần làm ấm áp hơn, tươi sáng hơn cuộc sống hôm nay. Nó có sức cảm hóa con người, như ánh sáng đẩy lùi bóng tối, cái thiện thắng cái ác, nhân lên cái tốt đẹp, lấy cái đẹp dẹp cái xấu...
 
Ý nghĩa nhân văn của phong trào thi đua yêu nước không chỉ là chuyện thành tích, biểu dương công trạng. Với mỗi người, không giá trị nào cao quý hơn, thiêng liêng hơn lòng yêu nước. Mà, “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, như Bác Hồ kính yêu từng khẳng định. Bài ca thi đua yêu nước vẫn sẽ mãi vang vọng, tiếp thêm động lực, tinh thần cho toàn dân tộc trên chặng đường mới, góp phần làm cho đất nước càng ngày càng xuân!
 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 387
Hôm qua : 1.052
Tháng 10 : 6.637
Năm 2024 : 176.598