A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có nhiều câu lạc bộ (CLB) thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế. Họ cùng nhau tìm cách làm giàu và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN).  

Chúng tôi đến thôn Dọc Mùng, xã Giáp Sơn hỏi đường vào nhà anh Vi Văn Vít (SN 1990) và được một người chỉ dẫn: “Muốn tìm anh Vít cứ đến trang trại nuôi chim bồ câu”. Có người còn vui vẻ: “Anh này ở với chim bồ câu còn nhiều hơn ở với vợ con”. Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến trang trại gặp một thanh niên vóc dáng nhỏ, vừa chăm sóc bồ câu vừa tranh thủ trao đổi với ai đó qua điện thoại về cách phòng bệnh cho vật nuôi khi trời lạnh, nồm.

Anh Vi Văn Vít giới thiệu về mô hình nuôi chim bồ câu lai Pháp.

Được biết, anh Vít thường xuyên trao đổi kỹ thuật chăm sóc bồ câu cho một số thành viên “CLB Nuôi chim bồ câu lai Pháp” của thôn. Anh kể, những năm trước, nhiều người dân trên địa bàn nuôi chim bồ câu lai Pháp để phát triển kinh tế. Ban đầu mạnh ai nấy làm, hiệu quả chưa cao. Năm 2018, được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, các đoàn thể như thanh niên, nông dân, nhiều người dân (chủ yếu ở độ tuổi thanh niên) đã thành lập CLB để trao đổi, giúp đỡ nhau về kỹ thuật, vốn, tiêu thụ sản phẩm với 12 người tham gia. 

Anh Vít là người nuôi sau, được mọi người chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức, anh đã hỗ trợ vật chất cho các thành viên khác. Anh tâm sự: “Năm 2017, vợ chồng tôi dồn hết khoản tiền tích cóp và vay mượn thêm để đầu tư xây 120 m2 chuồng, nuôi gần 200 cặp chim. 

Khi tham gia CLB, tôi được giao lưu, chia sẻ nhiều kiến thức bổ ích nên tự tin, mạnh dạn mở rộng diện tích chuồng và số lượng bồ câu. Hiện 300 m2 chuồng duy trì thường xuyên 1.400 đôi chim sinh sản. Với mức giá từ 100 đến 110 nghìn đồng/đôi, gia đình tôi thu từ 70 đến 80 triệu đồng/tháng”.

Trong CLB, người nuôi nhiều hơn 3 nghìn đôi chim; người nuôi ít 700 đôi. Bằng nhiều hình thức, các thành viên thường xuyên trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bồ câu cho nhau, hỗ trợ vốn, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Anh Lương Văn Nhật, thành viên CLB chia sẻ: “Năm 2019, tôi cũng nuôi chim bồ câu lai Pháp để phát triển kinh tế. 

Anh Vi Văn Vít thôn Dọc Mùng, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) chăm sóc đàn bồ cau lai Pháp.

Các anh Vi Văn Vít, Vi Văn Dũng đã hỗ trợ hàng trăm đôi giống, khi nào có lãi mới phải trả. Lưu ý trong khâu phòng bệnh, nhất là thời tiết mưa nồm dễ sinh nấm mốc. Ngoài ra còn phải cẩn thận trong việc đảo, ghép chim con cho chim bố mẹ nuôi giúp để phát triển đều. Những điều đó, tôi đều học được từ các thành viên đi trước”.

Theo Bí thư Huyện đoàn Lục Ngạn La Duy Thanh, toàn huyện có 116 CLB, hợp tác xã thanh niên làm kinh tế giỏi, thu hút hơn 2 nghìn thành viên tham gia như: CLB Thanh niên sản xuất vải thiều, cam, bưởi, táo... theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; CLB Thanh niên làm mỳ an toàn; CLB Thanh niên nuôi chim bồ câu, ngựa bạch. 

Các CLB có lợi thế đều là người trẻ, dám nghĩ dám làm, ham học hỏi, nhanh chóng bắt kịp thành tựu của khoa học, công nghệ. ĐVTN trong các CLB đã tích cực đóng góp vào phong trào phát triển kinh tế tại địa phương, giúp giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng trăm thanh niên nông thôn, hạn chế tình trạng thất nghiệp, vướng vào các tệ nạn xã hội.

Lợi thế có nhiều tuy nhiên các CLB gặp một số khó khăn, nhất là về vốn, kỹ thuật, đầu ra cho sản phẩm. Nhằm khắc phục, Huyện đoàn tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc. 

Với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, Huyện đoàn chủ động liên kết, tìm nguồn hỗ trợ ĐVTN cây, con giống, phân bón để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thống kê trong hơn ba năm qua, ĐVTN các xã: Phú Nhuận, Tân Sơn, Sa Lý, Hộ Đáp… được hỗ trợ 50 nghìn cây giống, 5 nghìn con giống gà ri lai, 30 vạn con giống cá rô đơn tính để lập nghiệp.

Cũng theo anh La Duy Thanh, để các CLB hoạt động hiệu quả, tăng về số lượng, chất lượng, thời gian tới Huyện đoàn tiếp tục tham mưu, phối hợp các phòng, ban chuyên môn của huyện, UBND các xã, thị trấn tăng cường tổ chức tọa đàm, giao lưu giữa các CLB thanh niên làm kinh tế giỏi nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Ngoài ra, tổ chức cho ĐVTN đi tham quan, học tập thực tế tại các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài tỉnh.


Tác giả: ST
Nguồn:baobacgiang.com.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 385
Hôm qua : 749
Tháng 10 : 4.589
Năm 2024 : 174.550