A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi số để tối ưu vận hành sản xuất và bán hàng

Theo chuyên gia Vương Quân Ngọc, để tối ưu S&OP (Sales and operations planning - hoạch định vận hành sản xuất và bán hàng) cần kết hợp 3 yếu tố gồm: mô hình kinh doanh, công nghệ và con người, tại DxTalks.

DxTalks tập 7 mùa hai với chủ đề "Lập kế hoạch xuyên suốt trong các doanh nghiệp sản xuất" có sự tham gia thảo luận của các chuyên gia khách mời đến từ các công ty công nghệ: ông Nguyễn Anh Nguyên - Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công nghệ của Hatto Group; ông Đoàn Ngọc - Chuyên gia tư vấn giải pháp, Oracle Vietnam; ông Vương Quân Ngọc - Giám đốc tư vấn Chuyển đổi số, FPT Digital. Dẫn chương trình là chuyên gia Phạm Hồ Chung - Giám đốc tư vấn, FPT Digital.

Trong tập này, các chuyên gia cùng thảo luận để trả lời cho loạt câu hỏi: Làm sao có thể tối ưu được quá trình hoạch định sản xuất và bán hàng đạt được hiệu quả cao; Ứng dụng S&OP tại các nước trên thế giới và Việt Nam có sự khác biệt nào? S&O đang đem lại giá trị gì cho doanh nghiệp? Các doanh nghiệp có thể hướng tới mô hình này qua chuyển đổi số? Cách thức xây dựng, triển khai S&O có phải đồng bộ với các hệ thống lớn khác như ERP, SCM, MOM / MES?

Các công ty sản xuất và cung ứng ra thị trường luôn mong muốn vừa tối ưu được sản lượng hàng hóa sản xuất theo công suất, đáp ứng được khả năng tiêu thụ của thị trường, vừa giảm được lượng tồn kho hàng hoá. Thực tế hoạt động cho thấy, công việc này luôn là một bài toán khó giải quyết, không chỉ về quy trình, số liệu mà còn là cách thức giao tiếp, chỉ đạo, phối hợp giữa các bên khác nhau.

S&OP là một trong những giải pháp có thể hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết bài toán này. Nó hướng tới việc xây dựng một kế hoạch kinh doanh được thống nhất bởi các bên (sản xuất, cung ứng, bán hàng) bằng việc các bên liên quan sẽ cung cấp các thông tin quan trọng và cùng tham gia quá trình lập kế hoạch cũng như điều chỉnh kế hoạch một cách nhanh và kịp thời nhất. Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp lớn, hoạch định bậc cao mới có thể áp dụng S&OP với lượng sản phẩm đa dạng, mô hình sản xuất phức hợp.

Mở đầu buổi talkshow, chuyên gia Đoàn Ngọc đưa ra cái nhìn tổng quan về hoạch định phối hợp sản xuất và bán hàng trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Ông cho rằng, hình thái đầu tiên của S&OP chính là tối ưu hàng tồn kho. Mặc dù mục tiêu tối ưu hàng tồn kho khá rõ ràng nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa làm S&OP một cách đúng nghĩa và bài bản. Chuyên gia Đoàn Ngọc sau đó còn chia sẻ về lợi ích do S&OP mang lại, đó là tối ưu dòng tiền và tăng được sự hài lòng của khách.

Chuyên gia Nguyễn Anh Nguyên chia sẻ cách triển khai và áp dụng S&OP tại các các doanh nghiệp mà ông từng quản trị. Ông Nguyên cho biết, dịch vụ khách hàng luôn được ông và các doanh nghiệp ông từng làm quan tâm nhất khi thực hiện S&OP. "Các quyết định từ S&OP không bao giờ có đúng và sai, mà là một kết luận hợp lý nhất. Khi xây dựng và hoàn thiện quá trình S&OP tại Unilever, chúng tôi luôn luôn nhìn vào năng lực đưa hàng hóa lên các kênh để phục vụ khách hàng ở tuần gần nhất, tháng gần nhất, vào 3 tháng gần nhất", ông Nguyên nói. Dịch vụ khách hàng tốt đã giúp hàng tồn kho giảm từ 2-3% xuống còn 0.5% đồng thời doanh số, lợi nhuận tăng trưởng ngay lập tức

Ông Nguyên cho rằng, khi triển khai S&OP, công nghệ dù quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất. Người triển khai phải hiểu rõ rằng không phải đưa công nghệ vào là có ngay cơ hội tăng trưởng, mà S&OP là hành trình dài và cần kiên nhẫn.

Từng tư vấn chuyển đổi số cho nhiều doanh nghiệp, chuyên gia Vương Quân Ngọc đồng tình, công nghệ là yếu tố quan trọng, nhưng không phải duy nhất khi hoạch định phối hợp quá trình vận hành sản xuất và bán hàng. Trong chiến lược chuyển đổi số, có 3 yếu tố thành phần: mô hình kinh doanh, công nghệ, con người. 3 yếu tố này bắt buộc phải đi cùng nhau mới tạo ra được sự chuyển đổi. "S&OP không phải là một giải pháp về công nghệ, nên tôi nghĩ rằng, việc đầu tiên các doanh nghiệp nếu muốn bắt đầu S&OP, thì hãy bắt đầu bằng sự kết hợp của cả 3 yếu tố kinh doanh - công nghệ - con người. Chúng ta sẽ đặt những yếu tố này ngang nhau để sau đó xác định trọng tâm để phát triển tiếp", chuyên gia của FPT Digital cho biết và nhấn mạnh.

Ông Vương Quân Ngọc cũng nhận định các doanh nghiệp Việt Nam hiện có nhiều cơ hội trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam là trung tâm để thực hiện chuyển đổi số và những thành công ở đây sẽ được nhân rộng ra toàn thế giới, trong đó có cả những bước là cấp độ cao hơn của S&OP. Đó là cấp độ giải quyết những yếu tố về phát triển bền vững, bên cạnh những thông số về hàng tồn kho, giá cả, khấu hao, năng lực sản xuất hay sự hài lòng của khách hàng. Mặt khác, S&OP không chỉ dành cho các doanh nghiệp sản xuất mà cần thiết cho cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực cung ứng, bán buôn, bán lẻ... Do đó, các doanh nghiệp có thể đồng hành cùng nhau, và có thể mời những công ty chuyên tư vấn để xác định gốc rễ của mô hình kinh doanh, công nghệ và văn hóa con người cần như nào để vận hành S&OP mang lại hiệu quả cao nhất.


Tác giả: Duy Kiên - Sưu tầm
Nguồn:vnexpress.net Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 109
Hôm qua : 749
Tháng 10 : 4.313
Năm 2024 : 174.274