A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dữ liệu mở, Mở dữ liệu

Dữ liệu mở là một trong những nội dung thể hiện sự minh bạch, tinh thần kiến tạo của Chính phủ đối với đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số

Trên cơ sở quan điểm: "Dữ liệu là một nguồn dầu mỏ mới", việc hiểu và đóng góp khai thác dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở hiệu quả là nhiệm vụ cốt lõi của mọi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Dữ liệu thô này sau khi được "tinh chế" sẽ thu hút và mở ra giá trị lớn về lâu dài. Dưới đây là ba giá trị mở mà dữ liệu mang lại.

Tất cả các dữ liệu khi chia sẻ không vi phạm bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bị giới hạn chia sẻ theo pháp luật đều có thể được xem xét để cung cấp dưới dạng dữ liệu mở. Những dữ liệu thường được quan tâm để cung cấp dưới dạng dữ liệu mở nhiều nhất bao gồm: dữ liệu quan trắc, dữ liệu giám sát cộng đồng, danh mục dùng chung, dữ liệu cảm biến, dữ liệu thời tiết, dữ liệu hành vi đã được bỏ định danh… Dù được mở dưới nội dung, hình thức nào, dữ liệu mở ra đời cũng nhằm phục vụ hai nhóm người dùng chính: Chính phủ và các tổ chức "bên cung cấp" khác và công dân cũng như những người tiêu dùng dữ liệu khác.

Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước được quy định tại Khoản 4, Điều 3 của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020: "Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ". Theo đó, dữ liệu mở cho phép cộng đồng có thể khai thác, sử dụng các dữ liệu đó dựa trên giấy phép mở và cũng chính cộng đồng có thể làm gia tăng giá trị của dữ liệu mở, dữ liệu đó lại được sẻ chia cho cộng đồng. Dữ liệu mở còn trao cho công dân và tổ chức cơ hội có thể sử dụng các nguồn thông tin mà Chính phủ đang sở hữu trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống.

 

Sự phát triển của dữ liệu mở góp phần thúc đẩy sự tham gia đóng góp của người dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước, từ đó họ có thể phát hiện các đặc tính hoặc vấn đề từ bộ dữ liệu mà bản thân chủ sở hữu dữ liệu (tức Chính phủ) chưa phát hiện ra. Mối quan hệ tác động qua lại giữa bên cung - cầu về dữ liệu tạo nên sự thúc đẩy liên tục nhằm hình thành những tri thức mới, dịch vụ và sản phẩm mới. Cung cấp dữ liệu mở chính là cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, sáng tạo hơn.

Việc tạo lập, kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam trên cả 03 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên để Việt Nam sớm có hệ thống dữ liệu mở với phong phú tài nguyên tri thức, trước hết cần "mở nhận thức" của người dân và tháo gỡ tư tưởng sở hữu độc quyền dữ liệu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi của đơn vị mà không quan tâm đến lợi ích chung của quốc gia, dân tộc./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 6
Hôm nay : 370
Hôm qua : 749
Tháng 10 : 4.574
Năm 2024 : 174.535