Kế hoạch Chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Giang năm 2023
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 6649/KH-UBND về Chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Bắc Giang năm 2023.
Theo Kế hoạch, năm 2023 tiếp tục xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Bắc Giang tổng thể, toàn diện, có mô hình hoạt động được thiết kế, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số để đưa hoạt động của các cấp chính quyền lên môi trường số, đảm bảo an toàn thông tin; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số để thay đổi mô hình quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, tạo ra các giá trị mới cho xã hội. Tiếp tục duy trì và nâng cao chỉ số chuyển đổi số của tỉnh Bắc Giang trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số năm 2023; từng bước thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 433-NQ/TU ngày 04/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 111- NQ/TU của Tỉnh ủy.
Mục tiêu phát triển chính quyền số: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần phát sinh hồ sơ đạt trên 90%. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) xử lý trực tuyến đạt trên 60%. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt trên 40%. Tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị đạt tối thiểu 70% đối với cấp tỉnh, 60% đối với cấp huyện, 55% đối với cấp xã. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các CQNN dưới dạng điện tử đạt 100% (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật). Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại cấp tỉnh đạt trên 95%, cấp huyện trên 85%, cấp xã trên 55%. 100% các hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu cấp tỉnh được kết nối liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP). Trên 85% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh. 100% các hệ thống thông tin được triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ trước ngày 01/6/2023. Trên 30% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh xây dựng Cổng thông tin điện tử là cổng thành phần của Cổng Thông tin điện tử của UBND tỉnh.
Phát triển kinh tế số: Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%. 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể áp dụng hóa đơn điện tử; các doanh nghiệp đã thực hiện nộp thuế điện tử. 100% sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh, sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.
Phát triển xã hội số: Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%. Tỷ lệ phủ sóng di động tới 100% thôn/bản. Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt trên 90%. 100% trụ sở cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh được gắn biển địa chỉ số. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức cho phép khác đạt 70%. Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%. Tỷ lệ người dân ứng dụng định danh điện tử đạt trên 30%.
Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ thực hiện các lĩnh vực: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Để thực hiện nhiệm vụ đề ra, cần thực hiện các giải pháp: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp. Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp. Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ. Thu hút nguồn lực công nghệ thông tin. Tăng cường hợp tác quốc tế.
Xem chi tiết Kế hoạch Tại đây