• :
  • :
TUỔI TRẺ BẮC GIANG: KHÁT VỌNG – ĐOÀN KẾT – BẢN LĨNH – TIÊN PHONG – SÁNG TẠO
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024

 

 

          Năm 2024 với chủ đề công tác “Năm thanh niên tình nguyện”, các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đoàn kết, thống nhất nhằm triển khai đồng bộ, linh hoạt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần tiên phong, xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ. Dấu ấn của cán bộ đoàn và đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh gắn với những mô hình, giải pháp sáng tạo, hiệu quả, cụ thể như:

          1. Số hoá tên trường, xây dựng thư viện số

Nhằm tăng cường các giải pháp triển khai hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực số cho thanh, thiếu niên; phát huy vai trò nòng cốt, đi đầu của các cấp bộ đoàn trong chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục đến đoàn viên, thanh thiếu nhi về lịch sử hình thành, truyền thống tốt đẹp, thành tích tiêu biểu của mỗi nhà trường, trong năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai mô hình “Số hóa thông tin tên trường, xây dựng thư viện điện tử” trên địa bàn toàn tỉnh với nội dung: Số hóa tên trường về lịch sử thành lập, truyền thống nhà trường nhằm giáo dục truyền thống, lịch sử, khơi dậy tinh thần tự hào truyền thống cho học sinh, sinh viên; số hóa thông tin về tài liệu sách trong thư viện đem đến tiện ích cho học sinh trong tìm kiếm, tra cứu tài liệu, giảm thời gian tìm kiếm trực tiếp, khuyến khích tinh thần tìm tòi, tự học của học sinh, sinh viên.

Để triển khai mô hình, Tỉnh đoàn đã cụ thể hóa, đưa vào chỉ tiêu Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học năm học 2024-2025, Chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2024-2025 trong đó   yêu cầu 100% đoàn trường THPT, TT GDNN-GDTX, đại học, cao đẳng xây dựng công trình “Số hóa thông tin tên trường” và xây dựng “Thư viện điện tử”, 100% Liên đội có công trình măng non “Số hóa thông tin tên trường” với chủ đề “Tự hào truyền thống trường em”. Ngay từ đầu năm học, các huyện, thị, thành đoàn, các trường đại học, cao đẳng đã tích cực triển khai đến cấp cơ sở, xây dựng kế hoạch thực hiện, rõ lộ trình, thời gian và cách thức thực hiện. Để các cấp bộ Đoàn, Đội trên địa bàn tỉnh thống nhất trong cách thức triển khai, xây dựng công trình, ngày 7/11/2024, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn ban hành công văn số 1225-CV/TĐTN-TTNTH về việc định hướng, triển khai công trình “Số hóa thông tin tên trường”“Thư viện điện tử” năm học 2024 – 2025, trong đó định hướng rõ nội dung, hình thức, cách thức tiến hành triển khai, xây dựng công trình.

Với mỗi công trình“Số hóa thông tin tên trường” được xây dựng dưới hình thức mã hóa QR tích hợp các thông tin, hình ảnh, video clip giới thiệu về nhà trường, lịch sử hình thành, truyền thống của nhà trường, ý nghĩa tên gọi của trường, quy mô giáo dục, đào tạo, những thành tích nổi bật của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nhà trường. Thông qua thiết bị điện tử có kết nối internet, học sinh, sinh viên, phụ huynh, người dân có thể tra cứu thông tin của nhà trường đầy đủ, chính xác, sinh động. Mã QR được xây dựng bằng hình thức trực tiếp như in thành biển, áp phích, poster... đặt, dán tại phòng truyền thống, khu vực cổng trường, bảng tin thông báo ...; hình thức trực tuyến như đăng tải thành bộ nhận diện trên các website của nhà trường, fanpage của đoàn trường, liên đội quản lý.

Công trình “Thư viện điện tử” được số hóa qua mã QR với hàng ngàn đầu sách hay được chia theo từng lĩnh vực lịch sử, khoa học, kinh tế, văn hóa, tự nhiên xã hội, kỹ năng, công nghệ, sách thiếu nhi... phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi và văn hóa địa phương. Công trình giới thiệu khái quát về thư viện trong nhà trường, tên gọi (nếu có), hình ảnh, số lượng sách, tên sách, chủ đề hoặc mã hóa các cuốn sách, sách điện tử, nhằm giúp học sinh, sinh viên thuận lợi tra cứu tài liệu, giảm thời gian tìm kiếm trực tiếp, khuyến khích tinh thần tìm tòi, tự học của học sinh, sinh viên. Một số công trình “Thư viện điện tử” phát triển không gian sách điện tử thông với hình thức 3D hiện đại để độc giả có thể dễ dàng dùng điện thoại thông minh truy cập, tìm kiếm và đọc sách không giới hạn về không gian, thời gian. Tiêu biểu trong triển khai mô hình có thể kể đến các đơn vị: Thành đoàn Bắc Giang ra mắt mô hình “Thư viện số - Tủ sách điện tử” với hơn 200 đầu sách được thiết kế với giao diện 3D trực quan theo hình thức sách lật, kèm theo âm thanh, hình ảnh và được tích hợp trên website của Thành đoàn, Huyện đoàn Lạng Giang với mô hình “Thư viện số - Tra cứu sách thông minh”, bên cạnh xây dựng mô hình thư viện số trong trường học, công trình còn được lan tỏa đến 100% các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện, Huyện đoàn Tân Yên với mô hình “Thư viện số trong đời sống và giáo dục” với các đầu sách được chia theo các lĩnh vực với nhiều chủ đề khác nhau phục phụ đời sống thường ngày và Giáo dục, Huyện đoàn Hiệp Hòa xây dựng mô hình “Thư viện số trường học” tại 06 trường THPT, TT GDNN-GDTX, Huyện đoàn Yên Thế xây dựng mô hình“Thư viện số” tại 04 trường THPT, TT GDNN-GDTX…

          Đến cuối năm 2024, 100% đoàn cấp huyện đã triển khai thực hiện mô hình với trên 200 công trình “Số hóa thông tin tên trường”, “Thư viện điện tử” thu hút sự quan tâm của hàng trăm nghìn lượt thanh, thiếu nhi truy cập, thụ hưởng. Công trình tiếp tục được triển khai hoàn thiện trong những năm tiếp theo. Thông qua mô hình “Số hóa thông tin tên trường”, “Xây dựng thư viện điện tử” nhằm đổi mới hình thức, lan tỏa và phát triển văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên đồng thời góp phần giáo dục đoàn viên, thanh niên về lịch sử, truyền thống tự hào của nhà trường đạt được trong quá trình xây dựng, phát triển, qua đó thể hiện tinh thần tiên phong trong chuyển đổi số của tuổi trẻ.        

          2. Cuộc thi đọc sách trực tuyến năm 2024 với chủ đề “Đọc sách để thay đổi bản thân”

Cuộc thi nhằm mục đích tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên, nhi đồng nói chung và các hoạt động hình thành thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc cho thiếu niên, nhi đồng nói riêng. Cụ thể hóa chỉ thị số 02-CT/TWĐTN-CTTN ngày 15/01/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về tiếp tục nâng cao văn hóa đọc cho thiếu niên, nhi đồng; Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống lịch sử, đạo đức, lối sống văn hóa, ý thức tuân thủ pháp luật, cho thanh, thiếu nhi tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2024 - 2027 và những năm tiếp theo” ban hành kèm theo Quyết định số 137/QĐ-UBND ngày 06/02/2024 của UBND tỉnh. Thông qua triển khai Cuộc thi, nhằm góp phần hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi; giáo dục cho các em tình yêu quê hương đất nước, rèn luyện những kỹ năng bổ ích, những giá trị tốt đẹp của lòng yêu thương, sống tích cực, lành mạnh và biết sẻ chia; giúp các em nâng cao nhận thức, có ước mơ, lý tưởng và khát vọng cống hiến, phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giáo dục của Đoàn, Đội; tăng cường hoạt động của Đoàn, Đội trên môi trường số; nâng cao năng lực số cho thiếu niên nhi đồng. Cuộc thi không sử dụng kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Toàn bộ kinh phí được vận động xã hội hóa triển khai Cuộc thi là 27.300.000VNĐ do Hệ thống Mẹ và Bé KhangBaby tài trợ. Kinh phí trên sử dụng cho việc trao thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia Cuộc thi. Đây là năm đầu tiên cuộc thi đọc sách được Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức theo hình thức trực tuyến trên không gian mạng.

Cuộc thi đọc sách trực tuyến năm 2024

 

Đối tượng dự thi là thiếu niên và nhi đồng có độ tuổi từ 06 đến 15 tuổi đang sinh sống và học tập tại các trường tiểu học, trung học cơ sở tại tỉnh Bắc Giang trong thời điểm diễn ra Cuộc thi. Thời gian nhận bài thi: Từ ngày 12/3/2024 đến hết 07/4/2024.

Nội dung: Giới thiệu, nêu cảm nghĩ của em về một cuốn sách hay đã giúp thay đổi bản thân em. Hình thức: Sản phẩm Cuộc thi dưới dạng video clip. Tác giả có thể thực hiện nhiều sản phẩm với nội dung khác nhau gửi tham gia Cuộc thi. Sản phẩm phải đảm bảo các điều kiện: Video sản phẩm dự thi được quay, ghi hình trong thời điểm triển khai Cuộc thi; Hình ảnh, nội dung phải phù hợp với chủ đề Cuộc thi, không được trái thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam; không tuyên truyền mê tín dị đoan, không mô tả các nghi lễ, các tôn giáo chưa được pháp luật công nhận; Sản phẩm không vi phạm bản quyền, không vi phạm pháp luật Việt Nam, chưa từng đoạt giải tại các Cuộc thi khác; Sản phẩm là video clip có độ dài từ 05 phút đến tối đa 15 phút, phải kèm theo lời bình (Lời bình có thể bằng tiếng Anh); Tác giả phải lưu trữ file sản phẩm gốc để đối chiếu trong trường hợp được vào xét trao giải. Tác giả tham gia Cuộc thi bằng cách đăng tải sản phẩm lên facebook hoặc youtube của Liên đội hoặc tác giả hoặc cha mẹ học sinh; copy đường link bài đăng và gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi qua mã QR. Điểm của mỗi sản phẩm dự thi do Ban Giám khảo quyết định, dựa trên các tiêu chí chính: Nội dung hay, bám sát chủ đề, sáng tạo, hình ảnh đẹp, giọng kể truyền cảm, âm thanh rõ, phù hợp, hiệu ứng lan tỏa từ sản phẩm hoặc mức độ tương tác, phổ biến… Ban Giám khảo Cuộc thi gồm đại diện các phòng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Báo Bắc Giang, Sở Thông tin và Truyền thông, Tỉnh đoàn, Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh.

Sau 05 tuần phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 2.075 video clip dự thi. Nhiều sản phẩm dự thi chất lượng, đầu tư công phu, lời văn hay, giọng nói diễn cảm, chất lượng ghi hình độ phân giải cao. Nhiều video clip truyền cảm hứng cho người xem, thu hút hằng trăm nghìn lượt xem, chia sẻ. Một số liên đội khối tiểu học, THCS có vài trăm sản phẩm dự thi/trường. Thông qua đó đã góp phần khơi dậy phong trào đọc sách, tạo thêm sân chơi lành mạnh, giáo dục truyền thống, lịch sử, xây dựng hình mẫu đẹp về những người trẻ, thúc đẩy phong trào “Nói lời hay - làm việc tốt”, “Lấy cái đẹp - dẹp cái xấu” trong thanh thiếu nhi, tạo sự đồng thuận cao từ gia đình, nhà trường, xã hội. Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phụ huynh học sinh. Các thí sinh tham gia và đạt giải cao tại Cuộc thi đã được các kênh thông tin như Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Giáo dục thời đại, Báo Tiền phong, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin tuyên truyền và xây dựng phóng sự chuyên đề.

Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi diễn ra vào ngày 19/4/2024 tại Lễ khai mạc và phát động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 trên địa bàn tỉnh do Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang tham mưu tổ chức (tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang). Ban Tổ chức Cuộc thi đã trao giải cho 20 tập thể, cá nhân xuất sắc đoạt giải Cuộc thi. Trong đó, Giải Tập thể có nhiều bài dự thi chất lượng nhất được trao cho các Liên đội Tiểu học Hoàng Ninh (Việt Yên), Tiểu học Thị trấn Nham Biền số 1 (Yên Dũng), Tiểu học Tăng Tiến (Việt Yên), Tiểu học Lê Hồng Phong (Thành phố), Tiểu học Đông Thành (Thành phố), THCS Hợp Đức (Tân Yên), THCS Dĩnh Kế (Thành phố), THCS Thị trấn Thắng (Hiệp Hòa). Ban Tổ chức trao 12 giải cá nhân, trong đó 6 giải Ba, 4 giải Nhì, 2 giải Nhất. Em Nguyễn Sơn Long, lớp 8A3, Trường THCS Thân Nhân Trung (Việt Yên) đoạt giải Nhất khối THCS, em Nguyễn Ngọc Linh Chi, lớp 3A3, Trường Tiểu học Đông Thành (Thành phố) đoạt giải Nhất khối Tiểu học.

- Sản phẩm được tạo ra từ giải pháp: 2.075 video clip thi đọc sách, trên 1 triệu người tương tác (like, bình luận, share các video đọc sách).

          3. Nền tảng dùng chung (platform) cho công nhân Bắc Giang

Thực hiện Đề án số 19-ĐA/TU ngày 27/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Tập hợp công nhân lao động và phát triển đoàn viên, hội viên, các tổ chức chính trị - xã hội tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2024-2030”. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai mô hình Mạng lưới thông tin cho thanh niên công nhân giúp tập hợp công nhân lao động và phát triển đoàn viên, hội viên, các tổ chức chính trị - xã hội tại các khu, cụm công nghiệp; là cơ sở để phát triển đảng viên, tổ chức đảng và xây dựng đội ngũ công nhân lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tay nghề chuyên môn đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Chuỗi hoạt động triển khai:

  1. Xây dựng kênh thông tin công nhân Bắc Giang

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã Xây dựng và triển khai phần mềm Công nhân Bắc Giang ra mắt tháng 5/2024. Tuyển mạng lưới các tình nguyện viên xây dựng cây dữ liệu, thông tin trên App. Thông qua đó, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hỗ trợ công nhân lao động về thông tin tuyển dụng, giới thiệu việc làm, nhà trọ an toàn, các chính sách mới có liên quan, tư vấn sức khỏe, hôn nhân gia đình, kỹ năng sống; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc Quản lý nhà trọ.

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chú trọng triển khai công tác tuyên truyền APP công nhân thông qua kết hợp tổ chức 01 Hội thao thanh niên công nhân, 01 Hội diễn “Sức trẻ tháng 5”, 01 Ngày hội thanh niên công nhân, 02 Ngày hội pháp luật cho thanh niên công nhân, 02 hoạt động gian hàng hỗ trợ giá cho thanh niên công nhân, 03 không gian sự kiện tại khu sinh hoạt cộng đồng nơi tập trung đông công nhân trọ thu hút hơn 20.000 lượt công nhân, người lao động trẻ.

Bên cạnh đó, sau thời gian thử nghiệm điều chỉnh, APP công nhân phát triển Website Công nhân Bắc Giang tích hợp Zalo OA tuyên truyền. Tính đến 15/11, APP đã có 12.397 lượt truy cập, tiếp nhận 2.530 ý kiến phản ánh kiến nghị về đời sống, chế độ chính sách, hỗ trợ tư vấn pháp luật cho công nhân và đánh giá chất lượng web; hơn 30.000 lượt công nhân lao động tiếp cận thông tin tuyển dụng, các chính sách pháp luật, chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước trên các kênh thông tin Website, Zalo OA, Fanpage và các kênh tuyển dụng được kết nối.

(2) Xây dựng hệ thống cộng tác viên tuyên truyền, vận động người lao động trẻ tham gia tổ chức đoàn, hội tại doanh nghiệp và các khu nhà trọ. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã thành lập Tổ cộng tác viên tham gia vận động, phát triển tổ chức đoàn, hội với với 33 thành viên. Thành lập mới 01 Hội LHTN các KCN tỉnh với 18 Ủy viên UBH là các thủ lĩnh thanh niên, người có tầm ảnh hưởng, uy tín hỗ trợ vận động, tập hợp đoàn viên, thanh niên và phát triển tổ chức tại KCCN và thành lập 11CLB, chi hội tại Khu công nghiệp với 415 thành viên.

(3) Thí điểm mô hình thanh niên xa quê tại các khu nhà trọ công nhân. Năm 2024 là năm đầu tiên triển khai Đề án 19, Ban Chỉ đạo Đề án của Tỉnh đoàn – Hội LHTN đã xác định, triển khai mô hình thí điểm Hội đồng hương thanh niên Bắc Giang xa quê và vận động thành lập Hội đồng hương thanh niên Nghệ An tại Bắc Giang, Hội đồng hương thanh niên Lạng Sơn tại Bắc Giang.

          (4) Xây dựng không gian sự kiện cho thanh niên công nhân và các hoạt động đồng hành với thanh niên công nhân giúp tuyên truyền, hỗ trợ an sinh xã hội cho người lao động. Định kỳ hàng quý, Tỉnh đoàn – Hội LHTN tỉnh tổ chức chương trình Chill night không gian sự kiện giúp quy tụ người lao động được thể hiện năng khiếu tài năng, đam mê văn hóa – văn nghệ, sân chơi kết nối giao lưu nhiều bạn trẻ, hỗ trợ phát triển điểm sinh hoạt cộng đồng cho thanh niên tại các tuyến phố, tuyến đường tập trung lực lượng lớn công nhân người lao động. Năm 2024, tổ chức 03 số thu hút 54 CLB, tổ, đội nhóm theo sở thích tự phát và trong tổ chức tham gia thu hút hàng nghìn người tham gia.

          4. Tuổi trẻ phục vụ Nhân dân, xây dựng chính quyền thân thiện

  Phát triển đô thị thông minh là một trong những động lực quan trọng thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050, đưa Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững. Nhằm phát huy vai trò nòng cốt đi đầu trong chuyển đổi số, xung kích tình nguyện tham gia giải quyết vấn đề mới, vấn đề khó tại địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai giải pháp “Góp sức trẻ xây dựng smart city” với các hoạt động: (1) Mô hình Chatbot 24/7; (2) Xây dựng chưng cư thông minh; (3) Số hóa tuyến đường; (4) Tình nguyện giúp tăng trưởng SIPAS; (5) Chỉ đạo 100% các đoàn phường, thị trấn có hoạt động xây dựng đô thị văn minh.

 (1) Chatbot 24/7: Sử dụng AI hỗ trợ người dân trực tuyến về dịch vụ công, chuyển đổi số, tư vấn pháp luật thông qua điện thoại thông minh tích hợp theo kịch bản trên ứng dụng Facebook Messenger; có khả năng tự động tương tác với người dùng, trả lời các câu hỏi cụ thể và tự động đưa ra các đề xuất, câu trả lời được thiết lập sẵn, ứng dụng tích hợp 05 chức năng: hỗ trợ các dịch vụ công trực tuyến; tư vấn pháp luật 24/7; QR-Code thông tin về các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử trên địa bàn; du lịch số; số hóa tên đường, trường học, thư viện số; hỗ trợ khảo sát sự hài lòng của người dân.

Hỗ trợ các dịch vụ công trực tuyến, người dân sẽ trực tiếp tuyên truyền các khâu bước, các thủ tục pháp lý cần thiết khi thực hiện dịch vụ công. Kết thúc các nội dung có phần đánh giá khảo sát sự hài lòng về dịch vụ.

  Tư vấn pháp luật bao gồm các thông tin tư vấn, các câu hỏi thường gặp phải để hỗ trợ tư vấn và kết nối trực tiếp tới bộ phận tư vấn khi cần.

 Giới thiệu về các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, các điểm du lịch số hóa tích hợp với trang https://dulichso.bacgiang.gov.vn/. các công trình du lịch số của tỉnh Bắc Giang, các điểm du lịch số địa phương. Người dùng sẽ được trải nghiệm các phần giới thiệu với hình ảnh sử dụng VR360 kết hợp AI giới thiệu chi tiết ý nghĩa, giá trị văn hóa, lịch sử tại các khu vực du lịch, khu di tích,…

 Số hóa tuyến đường, trường học, thư viện số: Sử dụng các chức năng tương tự để hỗ trợ giới thiệu tên trường, tên đường, các thư viện số trong mô hình Chatbot 24/7 để đoàn viên thanh niên có thể tra cứu thông tin một cách dễ dàng, tra bản đồ…

 Khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân kết hợp với Chatbot 24/7 triển khai 05 đợt đánh giá với 170.732 phiếu đánh giá (do Ban Dân vận chỉ đạo Đoàn thanh niên thực hiện).

Kết quả tính đến 30/10/2024, toàn tỉnh xây dựng 10 Mô hình Chatbot 24/7 tại 10/10 huyện, thị, thành phố; hỗ trợ trên 50.000 người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, tư vấn pháp luật 24/7, thông tin về các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử trên địa bàn.

(2) Mô hình xây dựng Tổ dân phố thông minh

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã lựa chọn 02 phường triển khai mô hình điểm “Tổ dân phố thông minh” tại Thành phố Bắc Giang, Thị xã Việt Yên với các chỉ tiêu cụ thể: 100% các hộ dân có sử dụng internet (mạng dây, wifi hoặc 4G); 100% các hộ dân kinh doanh mở tài khoản thanh toán trực tuyến và biết cách sử dụng tài khoản thanh toán trực tuyến; 100% các hộ dân có ít nhất 01 thành viên biết cách sử dụng tài khoản dịch vụ công trực tuyến và biết cách sử dụng tài khoản thanh toán điện tử; 100% người dân có căn cước công dân, được kích hoạt mức độ 1,2 và biết cách sử dụng các chức năng từ ứng dụng Vneid; Chi bộ/Chi đoàn/Chi hội phụ nữ có nhóm zalo để truyền tải thông tin, văn bản; Tổ dân phố có nhóm zalo để truyền tải thông tin, văn bản. Sử dụng lịch nhắc hẹn tự động trên zalo để nhắc nhở người dân tham gia Chủ nhật xanh hoặc các công việc của Tổ dân phố; 100% các hộ dân có ít nhất 01 thành viên tham gia vào các nhóm Zalo của Tổ dân phố. 100% tổ liên gia có nhóm zalo để trao đổi thông tin; Ít nhất 50% các tuyến đường, ngõ, xóm có trang bị Camera an ninh; Nhà văn hóa có camera an ninh và có wifi; Tổ dân phố được lắp đặt hòm thư số tại nhà văn hóa và các khu vực tập trung đông người.

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn triển khai mô hình đô thị thông minh với 09 tiêu chí trên, triển khai các địa chỉ tình nguyện kêu gọi vận động phát triển mô hình đô thị thông minh. Tháng 3/2024, BTV Tỉnh đoàn đã trao tặng 15 điểm camera an ninh tại các tổ dân phố đang thực hiện mô hình trị giá 45 triệu đồng; trao tặng công trình “Bản đồ số các di tích văn hóa, lịch sử thành phố” cho tổ dân phố trị giá 95 triệu đồng tại phường Xương Giang (Thành phố Bắc Giang); tháng 6/2024, BTV Tỉnh đoàn vận động phối hợp với Ban quản lý Chung cư và xây dựng Evergreen,  chung cư “an toàn – tiện ích – văn minh” cho người lao động tại phường Quang Châu (Thị xã Việt Yên) với các nội dung tập huấn phòng cháy chữa cháy, lắp đặt 100% phòng có hệ thống PCCC, lắp đặt camera an ninh, lắp đặt hệ thống điều hành thông minh quản lý chung cư và tổ chức đổi rác thải lấy cây xanh tại Chung cư; lắp đặt hệ thống tên đường gắn mã QR kết hợp bản đồ địa điểm mua sắm tiện ích quanh khu vực chung cư.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức đợt cao điểm ra quân hỗ trợ người dân sử dụng tài khoản thanh toán điện tử và cài đặt, sử dụng ứng dụng VneID với chỉ tiêu mỗi thanh niên hướng dẫn và hỗ trợ cho 01 người cao tuổi tại địa phương, các hộ kinh doanh gần 1.200 tài khoản thanh toán trực tuyến; hỗ trợ kích hoạt tài khoản VneID mức độ 2 cho gần 8.000 người dân. Hỗ trợ tạo lập nhóm zalo cho 100% các chi bộ, chi đoàn, chi hội, tổ dân phố và hướng dẫn sử dụng lịch nhắc hẹn tự động trên zalo để nhắc nhở người dân tham gia Chủ nhật xanh. Thực hiện thi công 30 công trình thanh niên Hòm thư số tại các tổ dân phố đang triển khai mô hình Tổ dân phố thông minh

(3) Số hóa tuyến đường là tích hợp QR trên biển tên đường. Quét QR trên điện thoại thông minh, người dân có thể nắm được thông tin các tuyến đường, phố trên địa bàn với nhiều nội dung ý nghĩa như: lịch sử tên đường, chiều dài tuyến đường, các trụ sở cơ quan, nhà hàng, cửa hàng lớn trên tuyến đường, vị trí định vị trên bản đồ để phục vụ người dân truy cập, các sản vật nổi tiếng, một số tour du lịch, nhà hàng, khách sạn…. Kết quả, đã số hóa 400 tuyến đường, phố trên 10/10 huyện, thị, thành phố với 1500 mã QR được gắn.

(4) Tình nguyện hỗ trợ tăng trưởng SIPAS

Năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo chỉ tiêu 100% đoàn cấp huyện triển khai hoạt động hỗ trợ người dân tiếp cận, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hướng dẫn 209/209 cơ sở đoàn thành lập, duy trì 220 đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ nhân dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến (01 đội cấp tỉnh, 10 đội cấp huyện, 209 đội cấp xã với trên 2.000 thành viên); duy trì hiệu quả 209 Tổ CNSCĐ cấp xã và 2.129 Tổ CNSCĐ cấp thôn với 14.000 thành viên tham gia. Toàn tỉnh hỗ trợ trên 200.000 người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, giải quyết 35.152 hồ sơ trực tuyến; thiết kế bộ nhận diện, phần mềm đánh giá mức độ hài lòng của người dân tại bộ phận một cửa và tham gia khảo sát 170.732 người dân. Triển khai phong trào “Ngày thứ Năm - 3 không” (Không giấy tờ, không dùng tiền mặt, không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ một cửa) và “Ngày thứ Sáu nhanh” (giải quyết thủ tục trong ngày); tham gia xử lý 167.654/539.262. Đây là giải pháp góp phần hỗ trợ thu thập dữ liệu đánh giá chỉ số SIPAS, từ đó đề xuất giải pháp hiệu quả trong công tác phục vụ nhân dân.

(5) Chỉ đạo 100% các đoàn phường, thị trấn có hoạt động xây dựng đô thị văn minh. Kết quả, toàn tỉnh tổ chức 34 mô hình tham gia hỗ trợ xây dựng đô thị văn minh tại 34 phường, thị trấn trên địa bàn tham gia hỗ trợ hoàn thiện tập trung 07 tiêu chí: quy hoạch, giao thông, môi trường, thông tin, việc làm, văn hóa, hệ thống chính trị.

Tiết kiệm thời gian hoàn thiện thủ tục hành chính phục vụ nhân dân, phản ánh những vấn đề khó kịp thời giải quyết nhanh, hiệu quả. Tăng cường hiệu quả vai trò xung kích đi đầu trong chuyển đổi số của thanh niên; đồng thời, đóng góp vào việc đánh giá chỉ số SIPAS của tỉnh trong công tác phục vụ nhân dân.

          5. Dự án tình nguyện xóa nhà tạm, nhà dột nát

Hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột trên địa bàn huyện Tân Yên

 

  Tính đến hết ngày 15/11/2024, các cấp bộ đoàn trên toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới 216 nhà (đạt 432% chỉ tiêu), sửa chữa 141 nhà (đạt 420% chỉ tiêu), hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng tiền mặt và 10.000 ngày công lao động của đoàn viên, thanh niên (đạt 166% chỉ tiêu) với 20.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia đóng góp công sức; vận động nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ nguyên vật liệu xây dựng, sơn, tiền mặt giúp xây dựng nhà cho các gia đình hộ nghèo, cận nghèo, người có công, cựu TNXP thuộc diện có nhà tạm, nhà xuống cấp trầm trọng, khó khăn về nhà ở thu hút 256 đội hình tình nguyện với 7.520 đoàn viên thanh niên tham gia. Tổng trị giá trên 7,8 tỷ đồng. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã vận động nguồn lực trao tặng số tiền 850 triệu đồng hỗ trợ xây dựng mới nhà ở cho 16 hộ gia đình nghèo, sửa chữa 01 nhà cựu TNXP tại huyện Tân Yên, Hiệp Hòa. Hội LHTN tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Hiệp Hội Cửa Hà Bắc Lạng trong công tác khởi nghiệp phát triển kinh tế thanh niên, đồng thời chung tay hỗ trợ hạng mục cửa, mái tôn cho 05 gia đình với tổng giá trị 150 triệu đồng.

(Còn nữa)

                                                                              


Tác giả: Hoàng Ngọc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 3
Hôm nay : 590
Hôm qua : 1.002
Tháng 03 : 12.294
Năm 2025 : 48.484