Cảnh báo gia tăng trẻ em bị tai nạn thương tích dịp hè
Hàng năm, cứ vào kỳ nghỉ hè là số vụ tai nạn thương tích ở trẻ em có chiều hướng gia tăng. Ngoài nỗi lo thường trực về đuối nước thì trẻ con gặp các tai nạn thương tích như: bỏng, điện giật, hóc dị vật, té ngã, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm… Do vậy, cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến con em mình để phòng tránh những tình huống đáng tiếc
Nhiều trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích
Ghi nhận tại một số bệnh viện, kỳ nghỉ hè được gần 1 tháng nhưng số bệnh nhi nhập viện do tai nạn thương tích không ngừng gia tăng.
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong khoảng 1 tuần đầu tháng 6, Khoa Điều trị tích cực nội khoa đã tiếp nhận 7 trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch do đuối nước tại bể bơi và ao hồ. Trong số này, có 3 trẻ ngừng tim kéo dài và 4 trẻ suy hô hấp nguy kịch. Không chỉ đuối nước, tại Đơn vị Bỏng – Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng vừa tiếp nhận 3 trẻ 2-3 tuổi bị bỏng nặng và hoại tử da do tai nạn sinh hoạt. Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, từ đầu tháng 5/2023 đến nay, số trẻ gặp tai nạn thương tích đến khám tại Bệnh viện có khuynh hướng gia tăng rõ rệt. Khoảng 1 tháng gần đây, mỗi ngày trung bình Khoa Chấn thương chỉnh hình tiếp nhận 20 -30 ca, tăng 30-50% so với các tháng trước, trong đó đa số là trẻ từ 6-11 tuổi.
Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) cũng liên tiếp tiếp nhận nhiều trẻ nhỏ nhập viện cấp cứu do tai nạn thương tích thời gian đầu hè. Nhiều trẻ rơi vào tình trạng nguy kịch, dù đã được cứu sống nhưng khả năng di chứng về sau vẫn còn.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, số trẻ bị tai nạn thương tích và tai nạn giao thông đến khám ngoại trú và nhập viện bắt đầu tăng từ tháng 5 đến nay. Trong tháng 5 có 385 trẻ em bị tai nạn thương tích đến khám và nhập viện. Tuần đầu tháng 6 (từ đầu tháng 6 đến 7/6) có 123 trẻ khám và nhập viện do tai nạn thương tích.
Mặc dù chỉ mới đầu hè nhưng số trẻ nhập viện do tai nạn thương tích tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai tăng 200% so với những tuần trước đó. Các tai nạn phổ biến là tai nạn trong sinh hoạt, giao thông, ngã, điện giật, bỏng… Nhiều ca vào viện trong tình trạng năng như chấn thương sọ não, đa chấn thương, gãy xương, vỡ gan, vỡ lách, dập phổi…
Khoa Chấn thương chỉnh hình - Thẩm mỹ - Bỏng, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thời điểm đầu hè cũng tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhi bị tai nạn thương tích trong quá trình sinh hoạt và tham gia giao thông. Số lượng bệnh nhi bị tai nạn thương tích tăng gần gấp đôi so với thời điểm trước khi học sinh nghỉ hè. Chấn thương sọ não, gãy tay, chân, bỏng… là những tai nạn thương tích chủ yếu ở trẻ.
Phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ thế nào?
Tai nạn thương tích thường xảy ra bất ngờ, đặc biệt đối với trẻ em. Điều đáng nói, đa phần các trường hợp bị tai nạn thương tích đều xuất phát từ sự chủ quan, sơ suất của người lớn. Vì vậy, để phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt trong dịp hè rất cần sự chủ động chung tay các ngành chức năng, đặc biệt là sự quan tâm sát sao trẻ em từ gia đình.
Đối với trẻ từ 2-5 tuổi dễ bị tai nạn như: bỏng, hóc dị vật, tự ngã kẹt tay chân vào cửa… Đối với trẻ từ 6-15 tuổi thường gặp tai nạn giao thông do đi xe máy, xe đạp điện, đuối nước, điện giật, ngã do leo trèo, ngộ độc, ong đốt… Vì vậy, người lớn đặc biệt là bậc cha mẹ và người trước tiếp chăm sóc trẻ cần lường trước các nguy cơ gây tai nạn cho trẻ như: các loại thuốc, dao nhọn, nước sôi phải ngoài tầm với của trẻ. Không đựng hóa chất trong các chai lọ nước khoáng, nước ngọt. Hệ thống điện trong nhà cần có thiết bị chống giật. Lan can cầu thang phải chắc chắn, lắp thêm thanh chắn ngăn trẻ với khu vực nguy hiểm… Tuyệt đối không để trẻ một mình trong môi trường nước.
Phụ huynh nên thường xuyên dặn dò, giáo dục trẻ về các mối nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra và cách phòng tránh. Đặc biệt, đối với trẻ lớn, cha mẹ phải kiểm soát chặt chẽ thời gian sinh hoạt của con dịp hè; thường xuyên giáo dục, nhắc nhở trẻ không được leo trèo, bơi lội ở ao hồ, sống biển khi không có người lớn; không nên cho trẻ sử dụng xe có phân khối vượt quá lứa tuổi quy định. Khi đưa trẻ đến các khu vực sân chơi ngoài trời, nơi công cộng cần chú ý chọn nơi phù hợp với lứa tuổi trẻ, mặt sân có bề mặt mềm, không cho trẻ chơi các trò chơi mạo hiểm…
Vào dịp nghỉ hè, cha mẹ nên dành nhiều thời gian sinh hoạt cùng con. Hãy tạo ra một lịch sinh hoạt mới, căn bằng thời gian của cả phụ huynh và trẻ em. Với trẻ lớn, phụ huynh có thể giao việc nhà cho các con trong dịp hè. Khi các con hoàn thanh nhiệm vụ, cần có phần thưởng để khích lệ. sự kết nối gia đình và trẻ em vào dịp nghỉ hè rất cần thiết để tránh những tai nạn thương tích đáng tiếc xảy ra.
Ngoài ra, để kỳ nghỉ hè của trẻ thật sự bổ ích, an toàn, cần có nhiều hơn các sân chơi thiết thực, rèn luyện thể chất, kỹ năng sống cho các em là hết sức cần thiết. Đó cũng là giải pháp thiết thực nhất nhằm giảm tối đa tình trạng trẻ tử vong do tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước mỗi khi hè về.