Thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Những điểm thí sinh cần lưu ý
Bộ GD-ĐT quyết định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vào các ngày 7, 8 và 9-7 theo phương thức như năm 2021.
Thí sinh sẽ thi trong 2 ngày là 7 và 8-7. Ngày 6-7, thí sinh tập trung làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi. Bộ Giáo dục và đào tạo quy định có thêm 1 ngày thi dự phòng là 9-7.
Đây là đợt thi thống nhất trên toàn quốc. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết tùy theo tình hình dịch COVID-19 và đề xuất cụ thể của chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có thể tổ chức thêm 1 đợt thi cho những thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 không thể tham dự đợt thi chung.
Thí sinh là học sinh lớp 12 bắt buộc phải dự thi 4 bài thi để xét tốt nghiệp THPT, gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ và chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm các môn thành phần vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (gồm các môn thành phần lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT có thể chọn đăng ký dự thi các bài thi tổ hợp hoặc môn thành phần trong các bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội phù hợp với tổ hợp xét tuyển ĐH-CĐ.
Trong 5 bài thi, chỉ có bài ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Đề thi bám sát nội dung cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 và sẽ không ra vào phần được xác định không dạy, phần đọc thêm, tự học trong Hướng dẫn điều chỉnh nội dung chương trình cấp THPT đã được Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành tháng 9-2021.
Đề thi chính thức sẽ được xây dựng với cấu trúc tương tự như đề thi tham khảo của các môn thi vừa được Bộ Giáo dục và đào tạo công bố, với 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì triển khai thực hiện các khâu coi thi, chấm thi. Giám đốc sở Giáo dục và đào tạo sẽ quyết định việc sắp xếp thí sinh vào phòng thi tại các điểm thi như quy định của Bộ. Theo đó, mỗi điểm thi có ít nhất 60% thí sinh lớp 12 học chương trình giáo dục THPT trên tổng số thí sinh. Những trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của bộ. Quy định này nhằm ngăn chặn nguy cơ gian lận thi cử có tổ chức ở nhóm đối tượng thí sinh tự do hoặc thí sinh hệ trung cấp, hệ giáo dục thường xuyên.
Thí sinh tự do, thí sinh là học sinh hệ giáo dục thường xuyên không bố trí ngồi riêng phòng thi mà xen kẽ cùng thí sinh là học sinh hệ THPT.
Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp tục cử cán bộ, giảng viên của các ĐH, học viện, trường ĐH, trường CĐ thuộc khối đào tạo giáo viên (gọi chung là ĐH-CĐ) làm công tác thanh tra thi tại các địa phương.
Bộ chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, giám sát các khâu tổ chức kỳ thi. Trong đó, chú ý việc lựa chọn, phân công nhân sự tham gia theo đúng quy chế. Các cơ sở giáo dục được phân công tổ chức kỳ thi chủ động phối hợp với cơ quan công an để tập huấn việc phòng chống gian lận thi cử, đặc biệt là các giải pháp ngăn ngừa gian lận công nghệ cao.
Đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH sau kỳ thi tốt nghiệp
Năm 2022, Bộ Giáo dục và đào tạo vẫn cho phép các cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT là một trong nhiều phương thức tuyển sinh. Nhưng khác với các năm trước yêu cầu thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trước kỳ thi này, năm nay thí sinh đăng ký nguyện vọng sau khi thi tốt nghiệp THPT.
Thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đợt 1 bắt đầu từ khi thi xong đến sau khi có điểm thi và xét tốt nghiệp THPT. Thí sinh không đỗ trong đợt xét tuyển này có thể đăng ký xét tuyển bổ sung nếu các cơ sở đào tạo còn chỉ tiêu tuyển sinh.