Đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, quán triệt các nghị quyết về công tác xây dựng Đảng đối với thế hệ trẻ tỉnh Bắc Giang
`
Nghị quyết của Đảng là những định hướng phát triển lớn, là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng, thể hiện ý chí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, sau khi nghị quyết được ban hành, phải tổ chức học tập, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng đến Nhân dân. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, then chốt nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong Nhân dân, là tiền đề cho sự thành công trong tổ chức thực hiện nghị quyết, đảm bảo nghị quyết đi vào cuộc sống.
Sinh thời, Bác Hồ luôn đánh giá cao vai trò của việc học tập nghị quyết của Đảng. Người cho rằng: “Cần nghiên cứu sâu để thấm nhuần tinh thần nghị quyết; nghiên cứu càng sâu thì càng thêm phấn khởi, hoàn thành nhiệm vụ càng tốt. Nhưng cán bộ thấm nhuần chưa đủ. Phải làm cho tinh thần nghị quyết thấm nhuần trong toàn Đảng, toàn dân”. Học tập nghị quyết của Đảng vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của đoàn viên, thanh niên nhằm nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của những người cộng sản trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong thời gian qua, việc học tập, nghiên cứu nghị quyết của Đảng được các cấp bộ đoàn trong tỉnh luôn quan tâm triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã có nhiều đổi mới trong công tác thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập Nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy trong đoàn viên, thanh niên; luôn quan tâm tới việc đổi mới về phương pháp nghiên cứu, học tập, quán triệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu nghiên cứu, phổ biến, tổ chức học tập, quán triệt; tăng cường các hình thức trao đổi, thảo luận trong học tập nghị quyết; đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền nghị quyết của Đảng, nhất là các nghị quyết về công tác xây dựng Đảng thông qua các hình thức sau:
- Thứ nhất, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đưa việc học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng thành một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức Đoàn cấp huyện, cấp cơ sở với tiêu chí: “100% cán bộ, đoàn viên được học tập, quán triệt, ít nhất 80% thanh niên tuyên truyền về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng”. Tháng 11 hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức chấm điểm bộ tiêu chí và tổ chức các đoàn kiểm tra tới cấp huyện, cơ sở để xác minh việc tổ chức thực hiện tiêu chí này.
- Thứ hai, tổ chức hội nghị, sinh hoạt chuyên đề:
+ Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức hội nghị thông tin, quán triệt, học tập đến cán bộ Đoàn chủ chốt cấp tỉnh tại Hội nghị giao ban chuyên môn hằng tháng và sinh hoạt chi bộ của cơ quan chuyên trách cấp tỉnh; chỉ đạo Hội nghị Ban Chấp hành Đoàn cấp huyện và tương đương phải tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ Đoàn cấp cơ sở, nhiều huyện, thành đoàn tổ chức hình thức học tập trực tuyến thiết kế điểm cầu tới cấp xã để tăng số lượng và chất lượng học tập của đoàn viên; báo cáo viên của các hội nghị thường do tổ chức Đoàn mời Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Huyện ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Thường trực Tỉnh đoàn và các huyện, thành đoàn.
+ Hằng tháng, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn biên soạn tài liệu sinh hoạt chi đoàn hằng tháng gửi cho cấp chi đoàn tham khảo trong đó có các nội dung Nghị quyết của Đảng.
+ Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Đoàn cấp huyện và tương đương đưa nội dung thông tin, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết lồng ghép vào các lớp tập huấn cán bộ đoàn, hội được tổ chức hằng năm; có kết hợp giữa việc kiểm tra, đánh giá, viết bài thu hoạch sau mỗi đợt học tập.
Ngay sau các hội nghị sinh hoạt chuyên đề, các cấp bộ đoàn xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết, trong đó chú trọng lựa chọn các nội dung trọng tâm, phù hợp với đối tượng, điều kiện thực tế ở mỗi địa phương, đơn vị để triển khai, thực hiện, đưa nghị quyết vào cuộc sống.
- Thứ ba, tuyên truyền trực quan và trên không gian mạng: Các cấp bộ đoàn nghiên cứu các nội dung của chỉ thị, nghị quyết, chắt lọc cụm từ quan trọng, từ khóa ngắn gọn để biên tập, thiết kế, xây dựng thành các bộ infographic, băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền ngắn gọn để treo, đăng tải trên mạng xã hội do tổ chức Đoàn quản lý để tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên. Hình thức này được chia sẻ, thông tin tuyên truyền rộng rãi trong tổ chức Đoàn.
- Thứ tư, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu: Đây là hình thức được triển khai hiệu quả trong khoảng thời gian tập trung ngắn nhất; vừa ứng dụng công nghệ thông tin, vừa đáp ứng, phù hợp tâm lý của thanh niên: dễ tiếp cận, tiếp cận mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian, đánh giá kết quả nghiên cứu, học tập; đồng thời phát huy tính tự nghiên cứu của thanh niên. Các cuộc thi được tổ chức ở 02 hình thức: trực tiếp dưới dạng sân khấu hóa, thi rung chuông vàng, các vòng thi tìm hiểu kiến thức và thi online bằng cách phối hợp với đơn vị liên quan để xây dựng các phần mềm thi trực tuyến. Tiêu biểu là năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng phần mềm thi trong 04 tuần, mỗi tuần 20 câu hỏi về các nội dung của Nghị quyết. Sau kết kết thúc cuộc thi, toàn tỉnh đã có 1.090.000 lượt. Hay như Ban Thường vụ Thành đoàn, Huyện đoàn Lạng Giang phối hợp với Ban Tuyên giáo cấp ủy để tham mưu tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy, của cấp ủy cùng cấp đã thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tích cực hưởng ứng, tạo hiệu quả cao trong việc nghiên cứu, học tập chỉ thị, nghị quyết trong toàn đảng bộ địa phương…
- Thứ năm, công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết được thực hiện thông qua đi cơ sở theo chủ trương “1+2” trong đó có lồng ghép việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức việc học tập, phổ biến, quán triệt nghị quyết tại cấp huyện và các cơ sở Đoàn.
Có thể khẳng định, thông qua việc đổi mới các hình thức học tập, chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt các nghị quyết về công tác xây dựng Đảng trong đoàn viên, thanh niên được nâng cao. Đây là cách làm vừa có phương pháp truyền thống, vừa có phương pháp mới, sáng tạo của tổ chức Đoàn toàn tỉnh trong việc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Qua đó, nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm học tập nghị quyết của cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên, giúp đoàn viên thanh niên nắm vững, hiểu sâu những nội dung cơ bản của các nghị quyết để thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nghị quyết của Đảng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc tổ chức học tập, nghiên cứu, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết về công tác xây dựng Đảng còn chưa được kịp thời, chưa đúng tiến độ quy định; chất lượng học tập chưa cao; đặc biệt ở cấp cơ sở còn tình trạng thụ động, chưa tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu xây dựng tài liệu tuyên truyền, tổ chức học tập, đánh giá kết quả học tập của cán bộ đoàn, đoàn viên; đoàn viên chưa có ý thức cao trong việc tự học tập, nghiên cứu, nhận thức tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng ở một bộ phận đoàn viên, cán bộ Đoàn chưa đầy đủ.
Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quán triệt, phổ biến nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, bên cạnh các phương thức truyền thống là các hội nghị học tập, quán triệt, Trước tiên, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục kiên trì với việc quán triệt, phổ biến để đội ngũ cán bộ hiểu rõ, nắm vững rồi mới có thể là tuyên truyền viên, báo cáo viên cho đoàn viên, thanh niên hiểu; tổ chức, chỉ đạo đa dạng các hình thức tuyên truyền, học tập, quán triệt, nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng theo hướng lấy thanh niên làm chủ thể của hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu, kết hợp với các hình thức kiểm tra, đánh giá mức độ hiểu biết bằng các phần mềm hiện đại, dễ tiếp cận, dễ sử dụng ở mọi lúc, mọi nơi và sử dụng mạnh mẽ mạng xã hội trong công tác tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết đến với rộng rãi thanh niên; tăng cường tổ chức các cuộc thi dưới hình thức sân khấu hóa và trực tuyến với mục đích đánh giá kết quả và lượt tiếp cận rộng hơn. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của thanh niên trong xây dựng vào bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.