• :
  • :
TUỔI TRẺ BẮC GIANG: KHÁT VỌNG – ĐOÀN KẾT – BẢN LĨNH – TIÊN PHONG – SÁNG TẠO
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng: Biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc

“Con người có tổ, có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”...

 
 
Thực hiện nghi thức tế lễ Giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân
 
Thờ cúng các Vua Hùng không chỉ là hoạt động tâm linh cầu mong Quốc tổ phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa mà còn có ý nghĩa kết nối, củng cố tình đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của cộng đồng dân tộc Việt Nam, những người cùng chung một cội nguồn. Trải qua thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng được bền bỉ trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển.
 
Từ bao đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng các Vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, TP Việt Trì (Phú Thọ). Ngoài ra còn nhiều đình, đền, miếu… thờ Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương ở Phú Thọ và nhiều tỉnh, TP. Trong tiến trình lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, Đền Hùng luôn được các triều đại và nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ. Từ khi nước nhà được độc lập, Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm tới việc thờ tự các Vua Hùng, đầu tư tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Đền Hùng.
 
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trở thành biểu tượng tôn kính, thiêng liêng, quy tụ và gắn bó người dân đất Việt. Niềm tự hào, tôn kính ấy càng được nhân lên khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 6-12-2012). Lễ hội Đền Hùng gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tổ chức vào đầu tháng Ba âm lịch hằng năm là nơi thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cao nhất của người Việt. Vào dịp lễ hội, Khu di tích Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh đón hàng triệu lượt đồng bào về viếng Mộ Tổ, tri ân công đức tổ tiên.
 
Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia góp giỗ của 4 tỉnh, TP là Hà Nội, Thái Bình, Bến Tre và Bình Phước. Lễ hội diễn ra trong 6 ngày, từ 1 đến 6-4-2017 (tức ngày 5 đến 10-3 âm lịch). Với mục tiêu xây dựng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trở thành một trong các lễ hội mẫu của cả nước, tỉnh Phú Thọ tập trung chỉ đạo tổ chức chu đáo, an toàn với phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc. Phần hội với các hoạt động vui tươi, lành mạnh, kết hợp hài hoà các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống và hiện đại. Phần lễ bao gồm: Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích... Tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ dâng hương tại đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh vào 6 giờ 30 phút ngày 10-3 âm lịch theo nghi lễ truyền thống. 
 
Người dân xã Tân Ước, huyện Thanh Oai (Hà Nội) thi gói bánh chưng tại Lễ hội Đền Hùng
 
Bên cạnh phần lễ, phần hội có các hoạt động trưng bày ảnh tư liệu và hiện vật của đồng bào cả nước cung tiến Đền Hùng; hội sách đất Tổ; đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân; hội trại văn hóa; liên hoan văn nghệ quần chúng; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; hội thi bơi chải trên sông Lô, các hoạt động thể thao cùng nhiều chương trình đặc sắc khác. 
 
Lễ hội năm nay có nhiều nét mới như tổ chức trưng bày các tư liệu ảnh, hiện vật về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xưa và nay”; triển lãm ảnh đẹp du lịch và ảnh nghệ thuật về quê hương, con người Phú Thọ; tổ chức liên hoan hát Xoan thanh thiếu nhi TP Việt Trì. Tối mùng 1-4 vừa qua, tại  khu vực Công viên Văn Lang đã diễn ra lễ hội dân gian đường phố thu hút hàng nghìn du khách tham gia. Mở đầu là đội rồng, lân cùng đội cờ hồng, cờ hội của 100 nam thanh niên tượng trưng cho 100 con Lạc cháu Hồng, tiếp đến là đoàn diễu hành của các phường, xã tái hiện cảnh Vua Hùng dạy dân cấy lúa; cướp bông ném chài; bơi chải… 
 
Đặc biệt, chương trình nghệ thuật “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương” được long trọng tổ chức để mở màn cho Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2017. 
 
Lễ hội được tổ chức chu đáo, thành kính, trang nghiêm nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua lễ hội tiếp tục quảng bá rộng rãi về hai di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ” đã được UNESCO vinh danh; khẳng định sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên quê hương Đất Tổ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 203
Hôm qua : 646
Tháng 11 : 15.232
Năm 2024 : 205.702