A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những mô hình, giải pháp sáng tạo trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2023 (Kỳ 1)

  Phát huy truyền thống vẻ vang, sống có lý tưởng, khát vọng, yêu nước, bản lĩnh, sáng tạo đó là những đức tính quý báu của tuổi trẻ Bắc Giang. Đồng thời, không chỉ sẵn sàng kế thừa, tiếp nối những truyền thống quý báu của các thế hệ đi trước mà tuổi trẻ Bắc Giang còn tự tin dấn thân vào lĩnh vực mới luôn tìm tòi và đưa ra những sáng kiến, mô hình, giải pháp mới được áp dụng thành công trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi.

 

          1. Du lịch qua lăng kính tuổi trẻ

  Thực hiện Nghị Quyết số 112-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy Bắc Giang về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai mô hình “Du lịch qua lăng kính tuổi trẻ”; đây là một mô hình góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh Bắc Giang. Theo đó,  Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo 100% các huyện, thành đoàn triển khai mô hình “Du lịch qua lăng kính tuổi trẻ” thông qua chuỗi hoạt động: (1) Số hóa các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tỉnh Bắc Giang; (2) Cuộc thi Yoga thông qua video, clip được ghi hình tại các khu điểm du lịch ở quy mô cấp tỉnh với chủ đề “Bắc Giang - Về miền yêu thương”; (3) Giải chạy cộng đồng VPBank Bac Giang International Marathon (VPBM) “Bước chạy tới Đỉnh thiêng” năm 2023. Du lịch qua lăng kính tuổi trẻ đã thu hút hơn 3,5 triệu lượt người tiếp cận và 83,5% người sử dụng đánh giá mức độ hài lòng cao và hiệu quả, như sau:

  (1) Số hóa các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tỉnh Bắc Giang

Nhằm tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, các cấp bộ đã đăng ký thực hiện 92 công trình thanh niên số hóa các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thực hiện từ tháng 12/2022 - tháng 11/2023. Trong đó, thực hiện 03 công trình cấp tỉnh, 15 công trình cấp huyện và 74 công trình cấp cơ sở. Các công trình đã hoàn thiện, đưa lên Bản đồ số du lịch và chờ Trung ương Đoàn tích hợp vào Bảo tàng số của Tuổi trẻ Việt Nam. Điểm mới sử dụng công nghệ AI, camera 360o để mô tả chân thực từng góc nhìn, bao quát các góc di tích giúp du khách lần đầu tới các khu du lịch có thể định hình, ngoài ra tích hợp giới thiệu thêm sản phẩm đặc sản địa phương, cách thức liên hệ với các hộ gia đình homestay,… Công trình số hóa các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tỉnh Bắc Giang chính cơ sở dữ liệu du lịch số cho du khách muốn tìm hiểu về quê hương Bắc Giang anh hùng.

Ra mắt mô hình số hóa di tích Chùa bổ Đà, huyện Việt Yên

 

(2) Cuộc thi Yoga thông qua video, clip được ghi hình tại các khu điểm du lịch với chủ đề “Bắc Giang - Về miền yêu thương”: Xu hướng rèn luyện thể thao qua bộ môn Yoga phát triển, đặc biệt yoga ngoài trời gắn kết với thiên nhiên, thúc đẩy thể lực tinh thần. Nhằm quảng bá du lịch kết hợp bộ môn yoga, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các CLB Yoga Hà Nội tổ chức Cuộc thi Yoga “Bắc Giang - Về miền yêu thương” diễn ra từ ngày 19/3-15/9/2023, sản phẩm dự thi được xây dựng thành video, clip ghi lại hình ảnh quá trình biểu diễn Yoga tại các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, thời lượng mỗi video, clip từ 03-07 phút. Ban Tổ chức thống kê sản phẩm, đăng tải trên Fanpage Tỉnh đoàn Bắc Giang để bình chọn, kết hợp Ban Giám khảo đánh giá, lựa chọn các tác phẩm đạt giải về góc độ chuyên môn. Kết thúc Cuộc thi, Ban tổ chức đã tiếp nhận 36 tác phẩm tham gia và trao giải cho 20 tác phẩm đạt giải với tổng giải thưởng 52 triệu đồng. Các tác phẩm đã thu hút hơn 1,1 triệu lượt xem cùng hơn 90 nghìn lượt yêu thích, 75 nghìn lượt chia sẻ. Cuộc thi Yoga “Bắc Giang về miền yêu thương” là xu hướng, trào lưu thể thao kết hợp du lịch cộng đồng, đồng thời khích lệ kích cầu du lịch tỉnh Bắc Giang.

(3) Giải chạy cộng đồng VPBank Bac Giang International Marathon (VPBM) “Bước chạy tới Đỉnh thiêng” năm 2023: Nhằm quảng bá du lịch tâm linh con đường Hoằng dương phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và phát triển phong trào chạy bộ trong đoàn viên, thanh niên. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và VPBank tổ chức Giải chạy cộng đồng “Bước chạy tới Đỉnh thiêng” diễn ra ngày 09/4 tại Khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử, huyện Sơn Động với số lượng VĐV là 2.000 (tăng 2 lần so với năm 2022). Điểm mới, cung đường chạy 10km chạy qua Chùa Đồng (Quảng Ninh); kêu gọi ủng hộ Quỹ “Hỗ trợ thanh niên yếu thế” của Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bắc Giang đối với VĐV tự do tham gia cự ly 5km khuyến khích ủng hộ tối thiểu 99.000 đồng (mỗi VĐV sẽ được tặng BIB, áo đồng phục, huy chương khi hoàn thành nội dung chạy), VĐV tự do tham gia cự ly 10km khuyến khích ủng hộ tối thiểu 199.000 đồng (mỗi VĐV sẽ được tặng BIB, áo đồng phục, huy chương và vé cáp treo lượt về khi hoàn thành nội dung chạy). Kết quả, Ban Tổ chức đã kêu gọi vận động được 230 triệu đồng cho Quỹ để hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần, sẻ chia những khó khăn với thanh thiếu niên khuyết tật, thanh niên yếu thế, giúp họ có thêm nghị lực, niềm tin vượt qua khó khăn, mặc cảm, tự ti, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Tại Chương trình khai mạc đã trao tặng 20 xe lăn cho thanh niên khuyết tật. Bước chạy tới Đỉnh Thiêng là hoạt động giúp các bạn trẻ đam mê khám phá, chinh phục cung đường khó, gập gềnh với độ cao 1.068m, tạo xu hướng cho nhiều bạn trẻ qua góc nhìn số khi đến với vùng đất linh mang đậm dấu thiêng Phật giáo Tây Yên Tử.

Giải chạy cộng đồng VPBank Bac Giang International Marathon “Bước chạy tới Đỉnh thiêng” năm 2023

 

Mô hình “Du lịch qua lăng kính tuổi trẻ” là giải pháp tích hợp nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm phát huy vai trò nòng cốt đi đầu của tuổi trẻ Bắc Giang trong chuyển đổi số, giúp kích cầu du lịch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Giang.

2. Góp sức trẻ xây dựng Smart City

Phát triển đô thị thông minh là một trong những động lực quan trọng thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050, đưa Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững. Nhằm phát huy vai trò nòng cốt đi đầu trong chuyển đổi số, xung kích tình nguyện tham gia giải quyết vấn đề mới, vấn đề khó tại địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai giải pháp “Góp sức trẻ xây dựng smart city” với các hoạt động: (1) Mô hình điểm Chatbot 24/7; (2) Xây dựng thư viện số; (3) Số hóa tuyến đường; (4) mô hình truyền thông “Không gian thực tế ảo”; (5) Hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 gắn với phong trào “Ngày thứ năm Ba không”, “Ngày thứ Sáu nhanh”. Giải pháp đã giúp tuổi trẻ tham gia hỗ trợ hơn 500.000 người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, mã hóa các thông tin tiện ích trên nền tảng số, như sau:

(1) Chatbot 24/7 là mô hình điểm chỉ đạo huyện đoàn Lạng Giang triển khai năm 2023 nhằm xây dựng bộ công cụ hỗ trợ người dân trực tuyến về dịch vụ công, chuyển đổi số, tư vấn pháp luật. Chatbot 24/7 là một trợ lý ảo sử dụng trí tuệ nhân tạo tích hợp ứng dụng Facebook Messenger có khả năng tự động tương tác với người dùng, trả lời các câu hỏi cụ thể và tự động đưa ra các đề xuất theo kịch bản đã được thiết lập sẵn, ứng dụng tích hợp 05 chức năng: i) hỗ trợ các dịch vụ công trực tuyến; ii) tư vấn pháp luật 24/7; iii) QR-Code thông tin về các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử huyện Lạng Giang; iv) khảo sát sự hài lòng của người dân; v) hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý đoàn viên. Sau 03 tháng thử nghiệm, ngày 10/10 Chatbot đã được phê duyệt đưa niêm yết hệ thống tại 21/21 Bộ phận một cửa UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lạng Giang. Hệ thống đã giới thiệu ứng dụng cho 10.000 lượt đoàn viên, thanh niên, nhân dân; hỗ trợ tư vấn dịch vụ công trực tiếp cho 1.500 người dân; 1.000 người truy cập QR-Code tìm kiếm thông tin các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử; tích hợp 100% đoàn viên chuyển từ Yum lên App Thanh niên Việt Nam (5.077 đoàn viên).

(2) Mô hình “Thư viện số” là mô hình tích hợp dữ liệu lớn, dễ tiếp cận và tìm kiếm. Triển khai năm 2022 và nhân rộng phát triển 15/15 huyện, thành đoàn, đoàn trực thuộc với hơn 1.000 biển công trình gắn QR-Code trang bị hàng nghìn đầu sách cho đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân tổng giá trị công trình hơn 500 triệu đồng, trong đó 326 biển công trình lắp đặt tại nhà văn hóa, trường học; 50/65 khu chung cư, siêu thị, công viên; 26/26 phường, thị trấn, thị xã trong tỉnh. Trong đó, mô hình “Thư viện số” của Thành đoàn Bắc Giang đã được Thành ủy phát triển sang lĩnh vực Tủ sách Chi bộ điện tử; tích hợp song song các đầu sách Thư viện số của Thành đoàn.

(3) Số hóa tuyến đường là mô hình điểm được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo Thành đoàn triển khai khẳng định vai trò tiên phong của tuổi trẻ trong xây dựng đô thị thông minh. Mô hình số hóa tuyến đường là tích hợp QR trên biển tên đường. Quét QR trên điện thoại thông minh, người dân có thể nắm được thông tin các tuyến đường, phố trên địa bàn với nhiều nội dung ý nghĩa như: lịch sử tên đường, chiều dài tuyến đường, các trụ sở cơ quan, nhà hàng, cửa hàng lớn trên tuyến đường, vị trí định vị trên bản đồ để phục vụ người dân truy cập, các sản vật nổi tiếng, một số tour du lịch, nhà hàng, khách sạn…. Kết quả, đã số hóa 200 tuyến đường, phố với 1.200 mã QR được gắn.

Số hóa tuyến đường trên địa bàn TP Bắc Giang

 

(4) Không gian thực thế ảo Bác Hồ với thanh thiếu nhi

Nhằm giáo dục lý tưởng Hồ Chí Minh, các sự kiện lịch sử Bác với thanh thiếu nhi. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo Huyện đoàn Lạng Giang xây dựng mô hình điểm “Không gian thực thế ảo Bác Hồ với thanh thiếu nhi”. Mô hình thiết kế 03 không gian triển lãm: Gia đình, thân thế sự nghiệp của Bác, Bác Hồ với thanh niên, Bác Hồ với thiếu nhi. Sử dụng điện thoại thông minh kết nối internet, quét mã QR dẫn tới không gian triển lãm đa chiều 360o trưng bày những hình ảnh giới thiệu thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài học quý giá Bác dành cho thiếu niên, nhi đồng. Tháng 7/2023, UBND huyện cấp phép lắp đặt QR mô hình tại 216/261 nhà văn hoá thôn, tổ dân phố; 45/45 liên đội nhà trường; 04/04 đoàn trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lạng Giang. Tính đến 15/11/2023, có hơn 10.000 lượt đoàn viên, thanh thiếu nhi tiếp cận và được đánh giá chất lượng tốt chiếm 82,5%. Đây là mô hình sáng tạo đa chiều tạo môi trường cho đoàn viên, thanh thiếu nhi trau dồi kiến thức về cuộc đời, sự nghiệp Bác Hồ. Dự kiến 2024 phát triển theo nhiều hình thức, nội dung góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

(5) Tình nguyện hỗ trợ tăng trưởng SIPAS

Năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo 100% đoàn cấp huyện triển khai hoạt động hỗ trợ người dân tiếp cận, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hướng dẫn 209/209 cơ sở đoàn thành lập, duy trì 220 đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ nhân dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến (01 đội cấp tỉnh, 10 đội cấp huyện, 209 đội cấp xã với trên 2.000 thành viên); duy trì hiệu quả 209 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 2.129 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 14.000 thành viên tham gia. Toàn tỉnh hỗ trợ trên 200.000 người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, giải quyết 35.152 hồ sơ trực tuyến; thiết kế bộ nhận diện, phần mềm đánh giá mức độ hài lòng của người dân tại bộ phận một cửa và tham gia khảo sát 30.000 người dân. Chỉ đạo Thành đoàn triển khai phong trào “Ngày thứ Năm - 3 không” (Không giấy tờ, không dùng tiền mặt, không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ một cửa) và “Ngày thứ Sáu nhanh” (giải quyết thủ tục trong ngày); tham gia xử lý 3,6 nghìn hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính vào ngày thứ Năm, thanh toán không dùng tiền mặt trên 120 triệu đồng, ngày thứ Sáu hỗ trợ giải quyết trên 3.000 hồ sơ. Giải pháp góp sức trẻ xây dựng Smart City là giải pháp hữu ích hỗ trợ thu thập dữ liệu đánh giá chỉ số SIPAS, từ đó đề xuất giải pháp hiệu quả trong công tác phục vụ nhân dân.

(Còn nữa)


Tác giả: Hoàng Ngọc - TH
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 63
Hôm qua : 724
Tháng 09 : 10.213
Năm 2024 : 162.799