• :
  • :
TUỔI TRẺ BẮC GIANG: KHÁT VỌNG – ĐOÀN KẾT – BẢN LĨNH – TIÊN PHONG – SÁNG TẠO
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những cách làm hay, sáng tạo dạy trẻ học bơi

Sau nhiều vụ trẻ em trong tỉnh Bắc Giang bị chết đuối thương tâm, trên mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ cảm xúc đau xót, đồng thời chia sẻ, đề xuất nhiều giải pháp...

Sau nhiều vụ trẻ em trong tỉnh Bắc Giang bị chết đuối thương tâm, trên mạng xã hội, nhiều người đã bày tỏ cảm xúc đau xót, đồng thời chia sẻ, đề xuất nhiều giải pháp, mô hình dạy bơi cho các em nhằm phòng tránh tai nạn đuối nước.
 
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
 
 
Anh Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh tại Nhật Bản đã chia sẻ cảm giác đau xót khi đọc vụ tai nạn đuối nước của 5 học sinh THCS Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) vừa qua. 
 
Theo anh, nên tận dụng tối đa các cơ hội để trẻ học bơi. Bố mẹ thay vì lo lắng cho con học thêm để thi cử hãy cho con học bơi cơ bản truớc.
 
Trường học và giáo viên nên có cảnh báo cần thiết tới học sinh, phụ huynh, đặc biệt khi hè đến. Vào mùa hè, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đều gửi giấy nhắc nhở phụ huynh chú ý tới con tránh tai nạn đuối nuớc.
 
Các ao, hồ trong trường hợp có thể phải có rào chắn và biển cảnh báo nguy hiểm.
 
Người lớn nên ngăn chặn ngay lập tức việc tắm ở sông ngòi, hồ ao của trẻ khi không thể đảm bảo đó là chuyện an toàn 100%.
 
Và anh cho biết thêm, ở Nhật Bản các trường tiểu học đều dạy bơi cho học sinh thông qua các hoạt động chính khoá và câu lạc bộ, trải nghiệm.
 
Ngay ở mầm non, các cháu đã được tiếp xúc với nước và học bơi nhất định. 
 
Anh khẳng định, nếu đã biết bơi một lần thì cả đời sẽ không quên. Không gì quý hơn sinh mệnh, nhất là sinh mệnh của trẻ em.
 
Cũng về vấn đề này, bạn Phạm Thị Nguyệt ở TP Bắc Giang đề xuất, nên thu hút các tình nguyện viên hợp tác dạy bơi cho trẻ, nhất là ở vùng nông thôn, khó khăn. Theo phân tích của bạn Nguyệt, việc dạy bơi cho trẻ đem lại hiệu quả thiết thực, hơn nhiều so với việc đi phát mương, nhổ cỏ, dọn rác... những việc không hợp với bàn tay nhiều tình nguyện viên là sinh viên. 
 
Hơn nữa, một khóa học bơi cho trẻ hiện nay từ 500 nghìn  – 1 triệu đồng là số tiền không nhỏ đối với nhiều gia đình, nhất là các gia đình ở vùng nông thôn khó khăn.
 
 
Trong khi việc đầu tư kinh phí một bể bơi với số tiền quá lớn cho một trường học là việc bất khả thi thì nhiều nơi đã có những mô hình sáng tạo theo hình thức “cái khó, ló cái khôn”.
 
Mô hình bể bơi trên biển tại thôn Tân An, xã Nghĩa An (Quảng Ngãi). Ảnh Internet.
 
Cũng trên mạng xã hội, bạn Hiền Cừ đã chia sẻ mô hình dạy bơi tại bãi biển thôn Tân An (xã Nghĩa An), TP.Quảng Ngãi. Khu vực dạy bơi trên biển được neo quây bằng phao xung quanh. Các em học sinh tham gia chia thành 2 lớp, được cấp phát và mặc áo phao trong suốt quá trình học, thời gian học từ 6-8 giờ sáng vào các ngày thứ 3,5 và 7 hằng tuần, với các kiểu bơi cơ bản và kỹ năng phòng chống đuối nước.
 
Do việc dạy bơi trên biển phức tạp nên xã Nghĩa An đã tổ chức 15 người làm nhiệm vụ huấn luyện và tình nguyện viên kèm sát các học sinh trong quá trình học nhằm đảm bảo an toàn.
 
Các thầy cô Trường Tiểu học Hưng Thạnh 2 (Đồng Tháp) dạy bơi cho học sinh bằng hồ trên sông.
Ảnh Internet.
 
Còn tại Trường tiểu học Hưng Thạnh 2, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), các thầy cô giáo nhà trường lại dùng tre, lưới bạt… làm hồ dạy bơi cho học sinh ngay trên sông gần trường vào mùa hè hàng năm. 
 
Hồ bơi được thiết kế rộng 4m, dài 10m và sâu 2m. Xung quanh hồ bơi dùng các cọc tre cắm xuống lòng sông với khoảng cách 2 - 3m một cây, sau đó dùng lưới bao xung quanh tạo thành một cái hồ hình chữ nhật nằm ngay trên sông. Do tận dụng những vật dụng trong nhân dân đóng góp nên tổng chi phí cho cái hồ bơi chỉ khoảng 600 nghìn đồng.
 
“Do làm bằng tre, lưới… nên sau một hai năm học là thầy cô phải làm một cái hồ bơi mới” - Thầy Nguyễn Thành Tâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Thạnh 2 chia sẻ.
 
Theo thầy Tâm, việc nhà trưởng tổ chức dạy bơi cho các em học sinh rất được lãnh đạo xã quan tâm, ủng hộ. Các phụ huynh đến quan sát, thấy lớp dạy bơi được thầy cô tổ chức chặt chẽ, từ khi các học sinh khởi động đến lúc xuống hồ làm quen với nước rồi tập bơi… có 3 giáo viên luôn theo sát nên yên tâm, mạnh dạn cho con em học bơi.
 
Từ khi có lớp học dạy bơi này, năm nào nhà trường cũng đạt khoảng 99% học sinh trong toàn trường biết bơi. Một niềm vui hơn là trong suốt 8 năm qua, tại trường không có học sinh nào bị đuối nước.
 
Khi kết thúc khóa học bơi, các em được kiểm tra công nhận biết bơi và được UBND xã Hưng Thạnh trao giấy chứng nhận và tặng kèm 20.000 đồng/học sinh. 
 
Mới đây, trên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh giới thiệu về mô hình bể bơi di động ở thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). 
 
Bể bơi di động tại thị xã Đồng Triều dạy bơi cho học sinh.
 
Theo đó, bể được lắp nổi, cao khoảng 1,5 m, trong đó mức nước sâu 1,2 m; dài 18 m và rộng 6,6 m, đủ cho một lớp từ 25-30 em tập bơi. Kinh phí cho mỗi bể không có mái che là 120-130 triệu đồng, trong đó 50% là ngân sách, số còn lại xã hội hóa.
 
UBND thị xã Đông Triều cho biết sẽ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Quảng Ninh tổ chức các lớp tập huấn để cấp chứng chỉ bơi cho tất cả giáo viên thể dục và cán bộ đoàn tham gia chương trình chống đuối nước cho trẻ em.
 
Với những đề xuất, các mô hình trên có thể là những gợi ý để các gia đình, trường học, đoàn thể, chính quyền địa phương nghiên cứu, học hỏi giúp phòng tránh đuối nước cho trẻ em mỗi mùa hè đến./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 33
Hôm qua : 252
Tháng 05 : 16.145
Năm 2025 : 89.053