• :
  • :
TUỔI TRẺ BẮC GIANG: KHÁT VỌNG – ĐOÀN KẾT – BẢN LĨNH – TIÊN PHONG – SÁNG TẠO
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

75 năm tác phẩm “cần, kiệm, liêm, chính” của Hồ Chí Minh và ý nghĩa đối với tuổi trẻ Bắc Giang

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của Nhân dân Việt Nam, hội tụ tinh hoa và khí phách dân tộc, là tấm gương mẫu mực sáng ngời về đạo đức cách mạng. Người luôn đề cao và thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính, 75 năm đã trôi qua, nhưng tác phẩm “Cần Kiệm Liêm Chính” của Người vẫn giữ nguyên tính thời sự và có giá trị lý luận-thực tiễn sâu sắc, nhất là đối với thế hệ trẻ ngày nay.

1. Đôi nét về tác phẩm Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra quyết liệt, năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” gồm 4 bài báo với bút danh Lê Quyết Thắng đăng trên báo Cứu Quốc các số ra ngày 30/5, 31/5, 1/6 và 2/6/1949.

Mở đầu tác phẩm, Người khẳng định “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc”. Người cũng làm thơ để kêu gọi: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/ Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/ Thiếu một mùa thì không thành trời/ Thiếu một phương thì không thành đất/ Thiếu một đức thì không thành người”.

Trong các bài báo, Người đã chỉ rõ nghĩa của từng chữ:

- “Cần” theo Hồ Chí Minh là: “Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai. Dao siêng mài thì sắc bén. Ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Điều đó rất dễ hiểu. Siêng học tập thì mau biết. Siêng nghĩ ngợi thì hay có sáng kiến. Siêng làm thì nhất định thành công. Siêng hoạt động thì sức khoẻ”.

“Người siêng năng thì mau tiến bộ.

Cả nhà siêng năng thì chắc ấm no.

Cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh.

Cả nước siêng năng thì nước mạnh giàu”.

Trong bài báo Bác chỉ rõ: “Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng…Vì vậy, siêng năng và kế hoạch phải đi đôi với nhau. Kế hoạch lại đi đôi với phân công”; “Cần và chuyên phải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ”. “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần... Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Do vậy, người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc”.

- “Kiệm” theo Hồ Chí Minh là: Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. CẦN với KIỆM, phải đi đôi với nhau, như hai chân của con người.” Trong bài báo Người đã chỉ rõ mối quan hệ giữa Cần và Kiệm. Đồng thời giải thích cách thức tiết kiệm bằng cách nào, và phân tích thêm: “Thời giờ cũng cần phải tiết kiệm như của cải. Của cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được. Có ai kéo lại ngày hôm qua được không?  Muốn tiết kiệm thời giờ, thì việc gì ta cũng phải làm cho nhanh chóng, mau lẹ. Không nên chậm rãi. Không nên "nay lần mai lữa".

Kết thúc bài báo, Người kết luận kết quả của tiết kiệm là: “Kết quả CẦN cộng với kết quả KIỆM là: bộ đội sẽ đầy đủ, nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công, nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới. Kết quả chữ CẦN chữ KIỆM to lớn như vậy đó. Cho nên người yêu nước thì phải thi đua thực hành tiết kiệm”.

Liêm” theo Hồ Chí Minh là: “Liêm là trong sạch, không tham lam”. Người chỉ rõ: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM…”. Người kết luận: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”.

- “Chính” theo Hồ Chí Minh là: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Ðiều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”.

CẦN, KIỆM, LIÊM, là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn.

CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH là tác phẩm rất có giá trị trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và phong trào thi đua yêu nước không chỉ lúc bấy giờ mà còn có ý nghĩa đặc biệt trong thực hiện "Học tập  và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" hiện nay. Không phải ngẫu nhiên trong Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn cách mạng mới thì “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” lại được Đảng ta xác định là 1 trong 5 chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay.

2. Tuổi trẻ Bắc Giang học tập và làm theo Bác về “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”

Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Tỉnh đoàn Thanh niên chỉ đạo các cấp cơ sở đoàn trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, biện pháp nhằm phát huy vai trò tuổi trẻ toàn tỉnh trong thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng Cần, Kiệm, Liêm, Chính và đã đạt được những kết quả tích cực. Đa số cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh luôn thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức cách mạng và vận dụng vào quá trình học tập, công tác, làm việc cũng như trong cuộc sống của mình, tạo ra một bức tranh chung, toàn diện tốt đẹp, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đa số thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh luôn nêu gương Bác Hồ trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đa số đã có ý thức tiết kiệm sức lao động, thời gian, của cải, tài sản. Trong việc thực hiện chữ “Liêm, Chính” được thể hiện trong việc tuổi trẻ của tỉnh luôn ham học, ham làm, ham tiến bộ, luôn ngay thẳng, làm việc đúng quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, bênh cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế: Còn có đoàn viên, thanh niên nhận thức chưa đầy đủ giá trị, ý nghĩa các chuẩn mực đạo đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính và vận dụng trong cuộc sống hằng ngày, dẫn đến vẫn còn có lúc, có việc, có cá nhân chưa cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong công tác cũng như trong cuộc sống; chưa cần cù trong tự đọc, tự học để nâng cao trình độ, phát triển bản thân. Còn có đoàn viên, thanh niên thờ ơ chính trị, phai nhạt lý tưởng sống, ham chơi, lêu lổng…

Để phát huy những ưu điểm đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, trong thời gian tới, để tiếp tục vận dụng những ý nghĩa, giá trị trong tác phẩm “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết nghĩ cần thực hiện tốt một số yêu cầu sau:

Một là, tiếp tục học tập và làm theo Bác về các chuẩn mực đạo đức cách mạng “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” trong đó:

Học tập và làm theo chữ “Cần” của Bác, ngày nay cần: Cần cù, siêng năng, chăm chỉ, chịu khó, tự lực, tự cường, nâng cao trình độ tư duy, sự chủ động, nhạy bén nắm bắt thông tin, đánh giá tình hình, đề xuất phương hướng, giải pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện; sự năng động, sáng tạo trong xử lý các tình huống nảy sinh của thực tiễn.

Học tập và làm theo chữ “Kiệm” của Bác, ngày nay cần: Tiết kiệm lời nói, với các tập thể và cá nhân, phải “nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động”, “nói thì phải làm”, “nói ít, bắt đầu bằng hành động”… đoàn viên, thanh niên nên thực hành tiết kiệm trong sinh hoạt, chi tiêu hàng ngày, ưu tiên sử dụng các phương tiện công cộng nhằm góp phần giảm thiểu chi phí; có ý thức tái sử dụng các nguyên vật liệu, hạn chế chất thải ra làm ô nhiễm môi trường. Tích cực xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, có hành động tích cực nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.

“Cần tránh lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết như chơi điện tử quá đà, nói chuyện phiếm trêm zalo, facebook, mà tập trung thời gian cho công việc học tập, nghiên cứu, chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống…”. Tránh quán xá, rượu bia la đà, thức thâu đêm cho những việc không cần thiết, lười lao động, lười thể dục thể thao.

Học tập và làm theo chữ “Liêm” của Bác, ngày nay cần: Bên cạnh yêu cầu phải sống trong sạch, không tham tiền của, không nịnh trên, dối dưới, còn phải đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu đấu tranh loại bỏ tệ̣ nạn tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đang diễn ra trầm trọng, làm ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của Đảng, tính ưu Việt của chế độ ta.

Học tập và làm theo chữ “Chính” của Bác, ngày nay cần: Vừa phải thẳng thắn, chính trực, làm điều thiện, tránh điều ác; hơn nữa, còn phải công tâm, khách quan, dân chủ, gần gũi quần chúng, gần gũi cơ sở, tự phê bình và phê bình chân thực, thẳng thắn.

Hai là, từng cán bộ, đoàn viên, thanh niên phải có ý thức tự tu dưỡng đạo đức cách mạng suốt đời. Hồ Chí Minh dạy: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Hồ Chí Minh đòi hỏi người thanh niên cách mạng, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng. Người đã sớm cảnh báo một số người, trong đấu tranh gian khổ thì vững vàng, kiên định, song đến khi có chút quyền lực thì đâm ra kiêu ngạo, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, có tội với cách mạng. Hiện nay, tình trạng đó vẫn diễn ra, mà nguyên nhân chính là những cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên đó đã không chịu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Điều đó đòi hỏi các tổ chức Đoàn phải tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, rèn luyện, kiểm tra đoàn viên, thanh niên; song, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào trình độ giác ngộ chính trị - đạo đức, bản lĩnh và tính tự giác của mỗi người.

Từ bỏ thói xấu của bản thân, chống chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện “cần, kiệm, liêm, chính” sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng thay vì vội vã bỏ cuộc, tuổi trẻ chúng ta ngày nay hãy cùng ôn lại, nhớ lại những câu chuyện về Bác, về cách ứng xử, cách sống của Bác, để ta có thêm động lực tinh thần rèn luyện đức và tài, phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi./.


Tác giả: Bảo Nguyên
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 3
Hôm nay : 383
Hôm qua : 707
Tháng 11 : 14.766
Năm 2024 : 205.236