A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số nội dung tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội của tổ chức đoàn các cấp tỉnh Bắc Giang

Thời gian qua, tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp tỉnh Bắc Giang đã tham gia tích cực vào hoạt động giám sát, phản biện xã hội; chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội phù hợp với thực tiễn phát triển của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Đoàn Thanh niên còn một số hạn chế. Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, cần có sự lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về vai trò của tổ chức Đoàn; đồng thời phát huy vai trò chủ thể, chủ động của tổ chức Đoàn trong đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội.

Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2022-2027, trên cơ sở Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 12-12-2013 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, UBKT Tỉnh đoàn đã chủ động xây dựng chương trình làm việc toàn khóa của Ban chấp hành, UBKT Tỉnh đoàn đồng thời dự kiến cụ thể các nội dung giám sát, phản biện xã hội. Một số nội dung giám sát tiêu biểu trong thời gian qua như: Giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đối với UBND tỉnh và Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh; Giám sát việc quán triệt, triển khai Luật Thanh niên 2020 và Chiến lược phát triển Thanh niên của tỉnh Bắc Giang và các văn bản liên quan” tại UBND các huyện, thành phố và đoàn thanh niên các huyện, thành đoàn và đoàn trực thuộc; Giám sát việc thực hiện Nghị quyết 165 -NQ/TU ngày 21/9/2021 về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đoàn và đội ngũ cán bộ đoàn chuyên trách tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo” tại 03 đơn vị Huyện ủy Lục Ngạn, Lục Nam và Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh; đã chủ trì thành lập 03 đoàn giám sát với sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh có liên quan; thông qua hoạt động giám sát đã kịp thời nhìn nhận, đánh giá việc thực hiện các văn bản, nghị quyết của cấp ủy, chính quyền trong quá trình thực thi chính sách đối với các cấp bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh. Đoàn cấp huyện thành lập được 26 đoàn giám sát cấp cơ sở và tham gia hơn 200 đoàn giám sát của cấp ủy, chính quyền cùng cấp. Sau giám sát, Đoàn các cấp đã phản ánh, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp về việc thực hiện các cơ chế, chính sách về công tác thanh niên và những vấn đề mà nhân dân quan tâm; nắm rõ tình hình đoàn viên, thanh niên về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương thức tập hợp, đoàn kết thanh niên; phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, quan liêu. Tổ chức Đoàn các cấp đã chủ động thực hiện việc nắm bắt, tiếp nhận thông tin để xây dựng các chương trình, kế hoạch giám sát xã hội phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; phát hiện và xử lý, giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn của tổ chức đoàn và cán bộ, đoàn viên; phát hiện và nhân rộng những điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động hiệu quả, xử lý kịp thời đơn thư, khiếu nại tố cáo, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương của tổ chức đoàn, góp phần quan trọng củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Đoàn.

Đối với hoạt động phản biện xã hội, tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp tham gia phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các dự thảo nghị quyết, chỉ thị, quyết định của tỉnh, thành ủy; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên; các chương trình đối thoại giữa thanh niên với cấp ủy, chính quyền. Hoạt động phản biện xã hội với nhiều hình thức phong phú, đa dạng khác nhau nhằm mục đích bảo đảm chất lượng cho các hoạt động phản biện nhưng cũng thể hiện được đặc trưng của tổ chức đoàn. Tiêu biểu như: tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; góp ý cho Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng tỉnh Bắc Giang; góp ý Dự thảo Luật Thanh niên 2020, các chương trình, chiến lược phát triển thanh niên và nhiều nội dung khác có liên quan.... thông qua nhiều hình thức đa dạng: Đối thoại với cấp ủy, chính quyền, Hội nghị góp ý, Diễn đàn thanh niên, sinh hoạt Chi đoàn... đã thu hút sự tham gia của hàng ngàn đoàn viên, thanh niên; thể hiện rõ trách nhiệm của thanh niên đối với Đảng, đối với đất nước; khẳng định mong muốn được cống hiến sức lực, trí tuệ của tuổi trẻ vào công tác xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, vì sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Các huyện, thành đoàn, đoàn trực thuộc đã tổ chức được 445 hội nghị góp ý, phản biện xã hội; đoàn cấp huyện tổ chức được 813 cuộc hội nghị góp ý, phản biện xã hội nhiều ý kiến của thanh niên đã được các cấp ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao vai trò, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tổ chức Đoàn các cấp đã phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phản ánh, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp việc thực hiện các cơ chế, chính sách về công tác thanh niên và những vấn đề mà thanh niên quan tâm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Đoàn trong thời gian vừa qua vẫn bộc lộ những hạn chế. Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền về vai trò của Đoàn trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước chưa thực sự sâu sắc, toàn diện. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Đoàn cấp trên đối với tổ chức Đoàn cấp dưới chưa thể hiện tính đặc thù về tình hình kinh tế - xã hội, đặc điểm thanh niên và công tác thanh niên của các địa phương; chưa xác định rõ nội dung, hình thức trọng tâm cần tập trung triển khai phù hợp với năng lực của tổ chức Đoàn. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Đoàn cấp cơ sở còn lúng túng trong việc lựa chọn các nội dung, hình thức giám sát phù hợp; khâu thực hiện sau giám sát chưa cao.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của tổ chức Đoàn góp phần xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước trong sạch, vững mạnh, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh cần tập trung một số vấn đề sau:

Một là, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên trong công tác xây dựng Đảng, Nhà nước nói chung, giám sát và biện xã hội nói riêng. Sự quan tâm của các cấp ủy quyết định hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Đoàn Thanh niên. Theo đó, cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, Quyết định số 218-QĐ/TW về ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền;

Hai là, thể chế hóa quy định những nội dung tổ chức Đoàn cần giám sát, phản biện xã hội; bổ sung nguồn kinh phí. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần quan tâm chỉ đạo kịp thời, sâu sát việc xây dựng chương trình phối hợp hằng năm với tổ chức Đoàn Thanh niên; xây dựng kế hoạch tiếp xúc, đối thoại với thanh niên và cơ chế tiếp thu ý kiến của Đoàn Thanh niên; chú trọng hơn nữa việc cung cấp thông tin cho thanh niên về những vấn đề có liên quan tới lĩnh vực giám sát, phản biện; định kỳ nghe và góp ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát, chỉ đạo các cơ quan thực hiện những kiến nghị của tổ chức Đoàn Thanh niên sau giám sát.

Ba là, tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp cần phát huy vai trò chủ thể, chủ động đổi mới nội dung và phương thức giám sát, phản biện xã hội, tổ chức thực hiện nhiệm vụ này thực sự sáng tạo, hiệu quả. Đồng thời xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, am hiểu nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đoàn; có phương pháp công tác khoa học, khách quan bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ giám sát và phản biện xã hội theo từng chuyên đề cho đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp để hiểu rõ quy định, quy trình, cách làm; phân công cán bộ làm tốt từng việc từ khâu chuẩn bị đến kiến nghị và theo dõi kiến nghị, rút kinh nghiệm từng việc, từ đó nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất của Đoàn với cấp ủy Đảng và chính quyền thực chất, hiệu quả.


Tác giả: Thu Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 17
Hôm qua : 724
Tháng 09 : 10.167
Năm 2024 : 162.753